Tại Hội thảo quốc tế “Digitalize to Revolutionize – Định hình nền kinh tế số tương lai” do Ngân hàng Quân đội (MB) tổ chức mới đây, các diễn giả quốc tế như: David L. Rogers, Sheena S. Iyengar và Paul J. Bailo đã chia sẻ những phương pháp và bài học thực tế áp dụng vào thực tiễn quá trình xây dựng nền kinh tế số quốc gia nói chung và chiến lược chuyển đổi số nói riêng của từng doanh nghiệp.
Hội thảo quốc tế “Digitalize to Revolutionize – Định hình nền kinh tế số tương lai”.
Giáo sư David L. Rogers là chuyên gia chuyển đổi số với kinh nghiệm tư vấn chiến lược cấp cao cho các tập đoàn hàng đầu thế giới như Google, Microsoft, CitiGroup, VISA, HSBC, Unilever, Toyota và nhiều tổ chức uy tín khác. Cuốn sách “The Digital Transformation Playbook” (Chiến lược chuyển đổi số) của Giáo sư David L. Rogers đã được xuất bản tại nhiều quốc gia trên thế giới, trở thành một trong những cuốn sách đáng đọc nhất về thực tế triển khai chuyển đổi số.
Giáo sư Sheena Iyengar từ Columbia Business School là chuyên gia hàng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo và nghệ thuật lựa chọn. Những nghiên cứu của bà đã được lược trích dẫn trên nhiều đơn vị báo chí uy tín hàng đầu thế giới như: The New York Times, The Wall Street Journal, Fortune và tạp chí Times, BBC, đồng thời được đón nhận và áp dụng tại nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như Microsoft, Deloitte.
GS. David L. Rogers chia sẻ tại Hội thảo.
Paul J. Bailo được coi là thiên tài trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm, nhà cố vấn cao cấp cho các doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ như: Apple, AT&T, Bank of America, Goldman Sachs, Mastercard, General Motors. Với kinh nghiệm chuyên sâu về chuyển đổi số, marketing số, vận hành doanh nghiệp số, thiết kế trải nghiệm số, Paul J. Bailo đã thành công thực hiện nhiều dự án chuyển đổi số phức tạp, nhiều thử thách.
MB là ngân hàng đi đầu trong chuyển đổi số từ năm 2017, những nỗ lực chuyển đổi số của MB đã được ghi nhận qua cú nhảy vọt về quy mô khách hàng, nâng con số 5 triệu khách hàng trong 25 năm đầu tiên lên đến 25 triệu trong năm 2023 (tính đến ngày 30/10/2023).
MB cũng ghi nhận đạt 1,6 tỷ giao dịch trên kênh số, trong đó, riêng App MBBank có thời điểm ghi nhận 20 triệu giao dịch/ngày. App MBBank lọt top những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên App Store Việt Nam trong vòng 3 năm liên tiếp, thể hiện sự đón nhận và ủng hộ của khách hàng.
10 tháng năm 2023, MB đạt 21.960 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 84,1% kế hoạch cả năm 2023. Với kết quả này, MB vươn lên vị trí Top 1 nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) về lợi nhuận trước thuế, các chỉ tiêu hiệu quả (ROA, ROE, tỷ lệ nợ xấu, năng suất lao động) của MB duy trì ở vị trí TOP đầu toàn ngành ngân hàng.
MB tự hào sở hữu 4 giải pháp được vinh danh tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2023 (VietQR, Thẻ Hi Collection, Chợ ứng dụng và Giải pháp vay Online).
Đại tá Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB, phát biểu tại hội thảo.
Theo Giáo sư David Rogers, các doanh nghiệp cần tập trung cho 3 cốt lõi, bao gồm công nghệ số, nhân tài số và văn hóa số. Để làm được điều này, mỗi doanh nghiệp cần phải xác định giá trị cốt lõi, từ đó đề ra hướng đi hợp lý trong tương lai cũng như tạo ra môi trường tốt nhằm giữ chân nhân tài.
Giáo sư cho rằng: “Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi để phát triển các doanh nghiệp một cách hiệu quả trong thời đại kỹ thuật số. Từ các công ty công nghệ đến các công ty truyền thống đều phải đối mặt với thách thức chuyển đổi số”.
Theo đó, lộ trình chuyển đổi số gồm 5 bước: Xác định tầm nhìn chung; lựa chọn những vấn đề quan trọng nhất; kiểm chứng các thử nghiệm mới; quản lý tăng trưởng quy mô lớn; không ngừng tăng trưởng về năng lực.
Các doanh nghiệp cần định hướng tương lai, hình dung ra sự tác động của doanh nghiệp tới xã hội và cộng đồng nói chung. Song song với đó, vấn đề thu hồi khoản đầu tư cho quá trình chuyển đổi số cũng là vấn đề không thể không chú ý tới.
Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là chuyển đổi về công nghệ. ChatGPT, Metaverse… đều chỉ là công cụ để giúp các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu của mình.
“Không chỉ đổi mới về công nghệ, để thành công, các doanh nghiệp cần không ngừng theo đuổi và phát hiện ra những vấn đề cần giải quyết của khách hàng, công việc kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã thành công nhờ tìm cách giải quyết các nhu cầu của khách hàng, qua đó thiết lập vị thế đi trước trên thị trường”, Giáo sư David Rogers cho biết.
Áp dụng các thử nghiệm mới trong quá trình chuyển đổi số cũng là chìa khóa dẫn đến sự thành công của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thay vì ngay lập tức tập trung vào các kế hoạch tốn kém và dễ thất bại, các doanh nghiệp nên bắt đầu từ những thử nghiệm nhỏ.
“Các nhà khoa học cũng thường bắt đầu bằng các giả thuyết chứ không khởi đầu bằng kế hoạch. Chúng ta cũng nên tập thói quen không ngừng thử nghiệm nhỏ để rút ra bài học, từ đó dẫn tới thành công”, ông David kết luận từ những thành công lẫn thất bại của các “ông lớn” liên quan tới chuyển đổi số như CNN, Walmart…
Ngoài ra, quản trị cũng là phần không thể bỏ qua, trong đó cần nhấn mạnh vào việc quản lý tăng trưởng. Chuyển đổi số phải bắt đầu một cách toàn diện, từ các cấp thấp nhất cho tới lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn và tổ chức.
Cuối cùng, để phát triển năng lực, vị chuyên gia này cho rằng các doanh nghiệp cần tập trung cho 3 cốt lõi bao gồm: Công nghệ số, nhân tài số và văn hóa số. Để làm được điều này, mỗi doanh nghiệp cần phải xác định giá trị cốt lõi, từ đó đề ra hướng đi hợp lý trong tương lai cũng như tạo ra môi trường tốt nhằm giữ chân nhân tài.