Năm 2022, tổng doanh thu nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ thông tin (IT) Việt Nam đạt hơn 2 tỷ USD, trong đó khoảng 60% đến từ thị trường Nhật Bản. Đất nước Mặt trời mọc từ nhiều năm trở lại đây luôn là lựa chọn cho “điểm đặt chân đầu tiên” của các doanh nghiệp IT Việt Nam trong hành trình “viễn chinh” thị trường quốc tế…
Tổng số doanh nghiệp Việt cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp Nhật đã lên tới con số gần 500. Ngoài “cánh chim đầu đàn” FPT, còn có những doanh nghiệp có quy mô trên dưới 1.000 lao động như: Rikkeisoft, Luvina, Fujinet, VMO, VTI, Hybrid… – Ảnh minh họa.
Hợp tác lĩnh vực công nghệ thông tin Việt Nam – Nhật Bản bắt đầu từ những năm 2000, khi ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin trong nước mới được hình thành. 10 năm đầu (2003 – 2013) là sự hỗ trợ của các đối tác Nhật Bản để chuẩn bị, đào tạo cho các đối tác, các doanh nghiệp Việt Nam, từ kỹ thuật, công nghệ, tiêu chuẩn đến nhân lực, văn hóa kinh doanh. 10 năm tiếp theo (2013 – 2023) là sự phát triển bùng nổ. Việt Nam hiện nay đã trở thành đối tác lớn thứ hai trong lĩnh vực phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, được các đối tác Nhật Bản ưu tiên lựa chọn.
ĐIỂM ĐẾN CỦA DOANH NGHIỆP ICT VIỆT
Tập đoàn FPT có thể xem là doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đầu tiên và thành công nhất đầu tư vào Nhật Bản. Ông Đỗ Cao Bảo, thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, kể rằng những năm 1999-2003, khi FPT bắt đầu công cuộc xuất khẩu phần mềm, FPT chọn Mỹ, Canada và châu Âu là thị trường chiến lược nhưng gặp rất nhiều khó khăn, đi đâu cũng “đụng” Ấn Độ, mà cái gì cũng kém họ, thua về tiếng Anh, thua về sự thích nghi môi trường và văn hóa, thua về nguồn lực, thậm chí về giá cả cũng thua…
“FPT loay hoay đủ kiểu, sang cả Ấn Độ mở công ty, tuyển cả nhân viên Ấn Độ làm cho công ty mình, nhưng vẫn không có hợp đồng hoặc chỉ có hợp đồng nhỏ. Khi ngân sách cho “Go Global” gần cạn kiệt thì FPT quyết định thử thị trường Nhật Bản”, ông Bảo cho hay.
Vào Nhật Bản, ông Bảo mới phát hiện ra rằng FPT và công ty Việt Nam có lợi thế hơn công ty Ấn Độ. Sau khi có khách hàng, có hợp đồng ở quy mô tương đối lớn, tức đã có kinh nghiệm, có tham chiếu, FPT quyết định quay lại thị trường Mỹ và châu Âu. Lúc này, các khách hàng Mỹ, châu Âu bắt đầu tin tưởng FPT hơn và chấp thuận ký hợp đồng với FPT.
Từ thực tế của FPT, theo ông Đỗ Cao Bảo, có bốn lý do khiến Nhật Bản trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam khi tính đến việc đầu tư, kinh doanh ra thị trường quốc tế.
Ông Đỗ Cao Bảo, Thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT.
“Tại thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam được cho là có nhiều ưu thế hơn các công ty Ấn Độ, nhất là về văn hóa (ăn đũa, đạo Phật) và ngôn ngữ (người Việt kém người Ấn Độ về tiếng Anh nhưng học tiếng Nhật lại nhanh hơn); và có một điều khiến người Nhật thích Việt Nam hơn Ấn Độ là hai nước có quan hệ chiến lược toàn diện một cách tự nhiên”.
Lý do đầu tiên, do FPT là người mở đường, tạo được thương hiệu quốc gia, đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia làm phần mềm trên thế giới. Lý do thứ hai là lãnh đạo hầu hết các doanh nghiệp Việt làm xuất khẩu phần mềm tại Nhật đều là người FPT cũ, như Rikkeisoft, VTI, Hybrid… Ở Nhật Bản có Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam mà trong đó 8/10 công ty có người đứng đầu đều là các cựu nhân viên của FPT.
“Điều quan trọng nhất là phải hiểu văn hóa kinh doanh của người Nhật. Trước khi hợp tác kinh doanh, người Nhật luôn bắt đầu bằng việc xây dựng mối quan hệ, phải hiểu nhau, tin cậy nhau, là bạn bè của nhau rồi mới tiến tới trao hợp đồng. Họ tin tưởng sâu sắc rằng đã là bạn bè thì chỉ làm điều tốt cho nhau, khi hợp tác kinh doanh với nhau thì sớm hay muộn sẽ có lợi nhuận.
Vì vậy, để có hợp đồng với người Nhật sẽ mất nhiều thời gian hơn, họ thường bắt đầu bằng hợp đồng nhỏ, làm tốt hợp đồng nhỏ rồi họ mới trao hợp đồng lớn hơn, nhưng khi đã hợp tác kinh doanh thì quan hệ rất bền, khó khăn thì họ sẽ giúp, cái gì chưa biết họ sẽ chỉ bảo, người Nhật không bao giờ bỏ bạn bè”, ông Đỗ Cao Bảo, thành viên Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT chia sẻ.
“Tại thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam được cho là có nhiều ưu thế hơn các công ty Ấn Độ, nhất là về văn hóa (ăn đũa, đạo Phật) và ngôn ngữ (người Việt kém người Ấn Độ về tiếng Anh nhưng học tiếng Nhật lại nhanh hơn); và có một điều khiến người Nhật thích Việt Nam hơn Ấn Độ là hai nước có quan hệ chiến lược toàn diện một cách tự nhiên”, ông Bảo cho hay.
THỜI CƠ CHO DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ VIỆT
Ông Ngô Minh Quân, Giám đốc Chuyển đổi số của Rikkeisoft cho biết Nhật Bản là nước phát triển, ngân sách mua sắm dành cho IT lớn, ưu tiên đầu tư phát triển và sở hữu công nghệ riêng. Quốc gia này lại đang thiếu hụt về nguồn lực nên đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp gia công phần mềm. Rào cản ngôn ngữ tiếng Nhật lại tạo ra cơ hội bắt kỹ sư Việt chịu khó học tiếng Nhật. Ngoài ra, phải kể đến các yếu tố khác như Nhật Bản và Việt Nam gần múi giờ với nhau, văn hoá châu Á tương đồng nên dễ làm việc.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp IT của Việt Nam đã tạo được điểm tựa vững chắc tại thị trường Nhật Bản. Thành công nhất phải kể đến là FPT. Tính đến cuối năm 2022, sau 17 năm hoạt động kinh doanh tại Nhật Bản, FPT không chỉ trở thành công ty IT Việt Nam đầu tiên đầu tư thành công vào thị trường Nhật Bản mà còn là công ty Việt Nam lớn nhất tại Nhật Bản. Hiện tại, số lượng văn phòng tại Nhật Bản của FPT là 13, với số lượng nhân viên lên đến 2.000 người.
Hay như Công ty Hybrid Technologies, doanh nghiệp IT đầu tiên do người Việt sở hữu, được niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo năm 2021. Ở thời điểm lên sàn, Hybrid Technologies mới chỉ có 6 năm hoạt động, đây là con số rất khiêm tốn so với độ tuổi trung bình của các doanh nghiệp niêm yết khác (20 năm). Hybrid Technologies hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ gia công phần mềm, chuyển đổi số cho đến bảo mật… Tính đến cuối năm 2022, tròn một năm sau thời điểm niêm yết, giá cổ phiếu của Hybrid Technologies đã tăng gấp đôi, qua đó nâng giá trị vốn hóa thị trường của công ty này lên hơn 100 triệu USD.
Sau khoảng 20 năm hợp tác lĩnh vực công nghệ thông tin, Việt Nam đã trở thành đối tác lớn thứ hai và được ưu tiên lựa chọn bởi các đối tác Nhật Bản. Các công ty IT Việt Nam ngày càng phát triển mạnh về cả chất và lượng.
Trước đây, giai đoạn đầu, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam chỉ được khách hàng Nhật thuê làm những công đoạn đơn giản như lập trình (coding), kiểm thử (testing), nhưng tới nay các doanh nghiệp Việt Nam đã có thể tham gia vào các giai đoạn từ nghiên cứu, thiết kế tới triển khai các dự án chuyển đổi số, ứng dụng những công nghệ mới như Cloud, Big Data, AI, Blockchain, VR/XR… Doanh nghiệp Việt đã khẳng định được năng lực công nghệ của mình ở tầm quốc tế, do đó các đơn hàng từ Nhật cũng tăng mạnh cả về số lượng, kinh phí cũng như chất xám khi dần chuyển từ gia công sang sáng tạo.
Theo Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), hiện nay nhu cầu ủy thác phát triển phần mềm của Nhật Bản vào khoảng 30 tỷ USD/năm (IPA), trong đó ước tính doanh nghiệp Việt Nam đang chiếm khoảng 6-7% thị phần. Doanh thu từ thị trường này đang đóng góp lớn trong 14 tỷ USD doanh thu thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam năm 2022. Tốc độ tăng trưởng luôn ở mức 20-40%.
Đến nay, tổng số doanh nghiệp Việt cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp Nhật đã lên tới con số gần 500. Ngoài “cánh chim đầu đàn” FPT, còn có những doanh nghiệp có quy mô trên dưới 1.000 lao động như: Rikkeisoft, Luvina, Fujinet, VMO, VTI, Hybrid…