Trong thời đại bùng nổ công nghệ số hiện nay, việc quảng bá hàng hóa, đặc biệt là nông sản lên sàn thương mại điện tử đang là xu thế giúp sản phẩm có cơ hội đến gần hơn với người tiêu dùng. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi vẫn còn nhiều thách thức, áp lực khi thay đổi với phương thức kinh doanh mới cho cả doanh nghiệp, hộ sản xuất và đơn vị quản lý nhà nước.
Các sản phẩm trà hoa vàng trên sàn thương mại điện tử shopee.
Trải qua sóng gió dịch COVID-19, khiến khu vực hợp tác xã dường như bị khủng hoảng lớn. Hoàn cảnh xô đẩy, bán hàng online rồi tiến vào các kênh thương mại điện tử đã giúp hợp tác xã Hợp tác xã dược liệu công nghệ cao Trường Sơn (Bắc Giang) của anh Nguyễn Văn Đức tìm được “đường sống” mới.
Với hai sản phẩm chính là trà hoa vàng và đông trùng hạ thảo, Hợp tác xã dược liệu công nghệ cao Trường Sơn đã bán hàng qua đủ các kênh từ truyền thống, sang Shoppe, Ladaza, Facebook và gần đây là Tiktok.
Anh Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc hợp tác xã chia sẻ: Bán hàng qua kênh truyền thống rất cồng kềnh, nhân lực nhiều, chi phí mặt bằng cao… và giới hạn về địa lý. Nhiều đại lý sẽ nhập sản phẩm thô của hợp tác xã và tự làm thương hiệu của họ cho dù đó là sản phẩm của hợp tác xã.
Bán hàng qua thương mại điện tử, hợp tác xã sẽ quảng bá được sản phẩm của chính thương hiệu mình, bởi việc vận chuyển hàng dễ hơn vì có đơn vị thứ ba làm. Bên cạnh đó, sản phẩm có thể bán toàn quốc và nhân lực cũng không cần quá nhiều.
Dù mới lấn sân sang bán hàng qua kênh thương mại điện tử được hơn một năm và tự nhận thấy hợp tác xã vẫn chưa làm được tốt, nhưng doanh thu mang lại từ hoạt động này đã chiếm khoảng 30% tổng doanh thu của hợp tác xã.
Anh Đức so sánh, kênh truyền thống hợp tác xã đã thực hiện từ 6 – 7 năm, nhưng tốc độ tăng trưởng qua kênh thương mai điện tử mạnh hơn truyền thống rất nhiều. Bán hàng qua thương mại điện tử chỉ cần khoảng sáu tháng đã bằng bán hàng qua truyền thống từ 4 -5 năm.
Với sự bứt phá trong bán hàng qua thương mại điện tử, hợp tác xã đã chọn phương thức này làm mục tiêu phát triển “sống – còn” trong 3 – 5 năm tới và nhân sự về thương mại điện tử sẽ chiếm khoảng 70%.
Qua 11 năm tiến vào mảng trái cây sấy, Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp đã sở hữu 1 sản phẩm 5 sao và 7 sản phẩm OCOP 4 sao. Ông Nguyễn Phạm Quốc Tùng, Phó giám đốc công ty cho biết, doanh nghiệp chủ yếu qua kênh bán hàng truyền thống là đại lý. Để tiện lợi cho người tiêu dùng, đơn vị thiết kế sản phẩm khá đa dạng với trọng lượng 80g, 120g, 200g…
Đầu tư vào sản phẩm sấy không quá khó nên có khá nhiều đơn vị nhỏ lẻ cũng có thể đầu tư, do đó mở rộng thị trường cũng khó. Xác định chất lượng phải gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, đến nay doanh nghiệp không chỉ có ở các kênh phân phối trong nước mà đã xuất khẩu sang Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia, Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc..
Trước xu thế mua sắm tiêu dùng trong nước qua sàn thương mại điện tử phát triển, đơn vị đầu tư bán hàng trên Shoppe, Ladaza… Qua đây, doanh nghiệp có thể giới thiệu sản phẩm đến nhiều người tiêu dùng hơn. Sau một thời gian ông Tùng nhận thấy, người tiêu dùng thường là khách hàng đã quen biết, mảng khách hàng mới ít, vẫn khó tiếp cận.
Từ khi được Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp hỗ trợ livestream tại Phiên chợ OCOP trên Tiktok, doanh nghiệp có thể chủ động giới thiệu sản phẩm. Người tiêu dùng có thể tìm hiểu dễ dàng, tiếp cận thông tin nhanh và nhiều người cũng biết đến sản phẩm.
“Những kênh truyền thống chỉ có thể đến được những thị xã, thành phố lớn, còn vào vùng sâu, vùng núi thì cần thương mại điện tử. Phương thức này sẽ mang sản phẩm đến những nơi mà doanh nghiệp chưa đến được”, ông Tùng chia sẻ.
Tuy nhiên, bán hàng qua thương mại điện tử cũng có những cái khó. Theo ông Tùng, nếu qua kênh livestream, đơn vị sẽ phải chịu khó đầu tư hình ảnh, nội dung liên tục để cập nhật. Người trực tiếp thực hiện phải biết cách nói chuyện và hiểu về sản phẩm để giới thiệu, tạo sự hấp dẫn cho kênh.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, thương mại điện tử là hình thức mới, khó nhưng là xu hướng tất yếu mà các nhà cung ứng Việt Nam cần sớm gia nhập sân chơi này.
Nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số của các chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP trên sàn thương mại điện tử, Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp cùng TikTok cho ra kênh Chợ phiên OCOP và được livestream hàng tuần để quảng bá, bán các sản phẩm đặc sản vùng miền do chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương sản xuất.
Qua 6 tháng triển khai, đến hết tháng 10/2023 đã có hơn 800 phiên livestream trên Chợ phiên OCOP được thực hiện, thu hút hơn 300 triệu lượt xem và mang về doanh thu hơn 100 tỷ đồng cho các sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Minh Tiến cũng cho biết, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hợp tác với Tập đoàn Sunwah (Hongkong – Trung Quốc) để xây dựng gian hàng thương mại điện tử cho các sản phẩm OCOP của Việt Nam bán hàng tại các sàn thương mại điện tử nội địa hàng đầu của Trung Quốc.