Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Nông nghiệp không thể đứng ngoài cuộc trong chuyển đổi số

Ngày 9/11/2023, Hội thảo với chủ đề “Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Hướng đi tiếp theo tại Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đồng tổ chức với sự hợp tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã diễn ra tại Hà Nội.

Hội thảo với chủ đề “Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Hướng đi tiếp theo tại Việt Nam”

Hội thảo đã quy tụ hơn 200 đại biểu là các chuyên gia và đại diện của các cơ quan chính phủ, các chuyên gia đầu ngành nông nghiệp và các nhà phát triển nông nghiệp công nghệ quốc tế về tham dự. Với mục tiêu nhằm tìm ra giải pháp để phát huy tiềm năng to lớn của số hóa cho nông dân Việt Nam trong bối cảnh nông nghiệp đang ở ngưỡng cửa cuộc cách mạng kỹ thuật số.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với nông nghiệp.
“Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố dài hạn tất yếu. Và nông nghiệp không thể đứng ngoài cuộc.
Chuyển đổi số không chỉ giúp cho người nông dân tiếp cận thị trường nhanh chóng mà còn giúp cho phương pháp canh tác tiên tiến, tăng cường sự quản lý, giám sát các quy trình sản xuất. Tạo sự minh bạch trong từng khâu sản xuất”.


Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại hội thảo.

Nông nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân Việt Nam khi đóng góp 12% GDP và gần 30% việc làm cho nền kinh tế Việt Nam. Do đó, việc tập trung vào sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số sẽ mang đến cơ hội hiếm có giúp tăng năng suất, nâng cao tính bền vững và đa dạng hóa sinh kế cho nông dân sản xuất nhỏ.
Việc sử dụng các công cụ và công nghệ kỹ thuật số hứa hẹn sẽ tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc và tính bền vững của các loại cây trồng chủ lực của Việt Nam, như gạo, hạt tiêu và cả phê. Những tiến bộ này rất quan trọng để duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo vệ cơ hội thị trường cho các nhà sản xuất lương thực trong nước.
Hơn nữa, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong nông nghiệp còn có tiềm năng góp phần vào việc thực hiện cam kết đạt mức phát thải rộng bằng 0 vào năm 2050 và giảm 30% lượng phát thải khí mêtan vào năm 2030 của Việt Nam, khi hàng năm ngành nông nghiệp hiện đang đóng góp khoảng 20% tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước.
Ngân hàng Thế giới và IFC hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam bằng cách xác định và thúc đẩy phát triển các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số trọng tâm giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp. Hai tổ chức này tập trung hỗ trợ phát triển những công nghệ đột phá để tăng cường an ninh lương thực và mở rộng cơ hội thị trường cho nông dân sản xuất nhỏ cũng như các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm của Việt Nam.

Spread the love
Back To Top