Thương mại điện tử Việt Nam chuyển mình theo xu thế

Sáng 21/07/2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cùng sự đồng hành của Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam ( VALOMA) đã tổ chức Diễn đàn Hoàn tất đơn hàng 2023 – Hướng tới Thương mại điện tử Xanh. Tham gia diễn đàn có trên 300 đại biểu từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức trong nước và quốc tế, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo và các doanh nghiệp thương mại điện tử, logistics, hoàn tất đơn hàng.

Diễn đàn Hoàn tất đơn hàng 2023 là sự kiện quy mô lớn đầu tiên gợi mở các hoạt động ở tầm chính sách vĩ mô lẫn các giải pháp cụ thể ở quy mô doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Sơn – Thươnggia24h.vn

Thương mại điện tử trên thế giới cũng như ở nước ta đã và đang tăng trưởng nhanh chóng đặt ra nhiều thách thức to lớn đối với môi trường, đặc biệt là loại hình bán lẻ trực tuyến. Do đó, các bên liên quan đã đề xuất và triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, mở ra những cơ hội lớn để thương mại điện tử thân thiện hơn với môi trường, tiến tới mục tiêu trung hoà khí thải carbon và giảm thiểu rác thải nhựa.

Phát biểu tại diễn đàn, Bà Lê Hoàng Oanh – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, tuy thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhưng đã và đang bộc lộ rõ nhiều yếu tố không bền vững, đặc biệt là những tác động xấu tới môi trường. Trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, có hai khâu chính  đang tác động xấu tới môi trường, bao gồm: Khâu giao hàng (liên quan đến xe cộ chạy trên đường thải lượng lớn khí carbon) và khâu đóng gói: Hộp carton, bao bì nilong, màng xốp hơi, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần. Những tác động xấu này còn ở mức độ cao hơn trong trường hợp giao hàng siêu tốc.

Bà Lê Hoàng Oanh – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Sơn – Thươnggia24h.vn

Tại diễn đàn, các diễn giả đại diện cho nhiều lĩnh vực khác nhau đã trao đổi về chiến lược phát triển thương mại điện tử bền vững, tối ưu hoá hoạt động logistics bảo vệ môi trường, kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn và hàm ý cho thương mại điện tử, chiến lược phát triển bưu chính, xây dựng hệ sinh thái logistics cho thương mại điện tử. Xanh hoá logistics sẽ là hướng đi quan trọng để trao đổi các chính sách, giải pháp để dịch vụ logistics và hoàn tất đơn hàng xanh nhằm mang lại sự phát triển hơn trong giai đoạn tới.

Cũng theo nghiên cứu của Google và Temasek, việc tối ưu hóa hoạt động thương mại điện tử như: giảm quãng đường di chuyển của các phương tiện giao nhận, sử dụng các vật liệu tái chế, thân thiện để đóng gói hàng hóa… sẽ góp phần cắt giảm được 30 – 40% lượng khí phát thải trong lĩnh vực này.

Các đại biểu, diễn giả ở nhiều lĩnh vực trao đổi về chiến lược phát triển thương mại điện tử bền vững, hoạt động logistics bảo vệ môi trường. Ảnh: Nguyễn Sơn -Thươnggia24h.vn

Trong bối cảnh, các chính sách về kinh tế số và thương mại điện tử hiện nay đều tập trung vào các giải pháp phát triển nhanh, các đại biểu tham dự diễn đàn cũng đã thảo luận về sự cần thiết phải triển khai mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu và đào tạo nhằm hậu thuẫn cho việc ban hành chính sách và pháp luật thúc đẩy phát triển kinh tế số và thương mại điện tử bền vững, thân thiện môi trường cho những năm tới.

Ông Bùi Trung Kiên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam chia sẻ: Xu hướng xanh hóa trên thế giới là xu hướng tất yếu, Việt Nam nói chung hay tất cả những công ty logistics tại Việt Nam nói riêng không năm ngoài xu hướng. Trong thời gian vừa qua có rất nhiều công ty logistics tại Việt Nam cũng đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo trong việc áp dụng xu hướng xanh như: Lazada, bưu điện Việt Nam, Netco, Fado và Grab. Với các biện pháp như: Hạn chế sử dụng bao bì đóng gói bằng túi nilong, tiết giảm số lượng thùng carton và chuyển sang dùng 100% bao bì có thể tái chế được.

Ông Bùi Trung Kiên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Sơn – Thươnggia24h.vn

Để thương mại điện tử nước ta phát triển bền vững và thân thiện hơn với môi trường, đồng thời trở thành một công cụ quan trọng hướng tới nền kinh tế xanh và trung hoà carbon, các bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cần phối hợp chặt chẽ và triển khai các hoạt động phù hợp.

Theo: nguonluc.com.vn
Spread the love
Back To Top