Thông báo của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts cho biết bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được ghép thận lợn “đã xuất viện với tình trạng sức khỏe tốt nhất từng thấy.”
Bệnh nhân Rick Slayman và các y bác sỹ, ngày 4/4. (Nguồn: Massachusetts General Hospital)
Rick Slayman, bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được ghép thận lợn đã chỉnh sửa gene, đã được xuất viện vào ngày 4/4, hai tuần sau khi thực hiện ca phẫu thuật mang tính dấu mốc về sự tiến bộ của y học hiện đại.
Trong một thông báo được đăng tải trên mạng X, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, nơi thực hiện ca phẫu thuật ghép thận lợn cho Rick Slayman, cho biết: “Bệnh nhân đang hồi phục tốt và sẽ tiếp tục quá trình phục hồi sức khỏe tại nhà.”
Sau một thời gian nằm viện theo dõi và điều trị, các bác sỹ cho biết sức khỏe của Rick Slayman đã ổn định để được xuất viện và bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được ghép thận lợn “đã xuất viện với tình trạng sức khỏe tốt nhất từng thấy,” thông báo cho biết.
“Khoảnh khắc rời bệnh viện hôm nay, tôi cảm thấy khỏe mạnh hơn bao giờ hết. Đây là khoảnh khắc mà tôi đã mong ước trong nhiều năm qua và nó đã thành hiện thực – thời điểm hạnh phúc nhất cuộc đời tôi,” ông Slayman nói và gửi lời cảm ơn tới các nhân viên y tế đã chăm sóc mình chu đáo.
Rick Slayman, 62 tuổi, được phẫu thuật cấy ghép thận lợn biến đổi gene tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts hôm 16/3.
Đây là ca ghép thận thứ hai của Slayman. Trước đó, ông từng được ghép thận từ người hiến tặng năm 2018, sau 7 năm chạy thận.
Tuy nhiên, 5 năm sau, quả thận ghép bắt đầu hỏng, ông lại tiếp tục phải chạy thận nhân tạo và gặp nhiều biến chứng, bao gồm xuất hiện một số cục máu đông trong động mạch, do đó ông đồng ý ghép thận lợn sau khi các bác sỹ đề nghị.
Ca phẫu thuật ghép thận lợn của Rick Slayman kéo dài trong 4 giờ đồng hồ, ngay sau đó quả thận ghép đã có thể sản xuất nước tiểu và đến nay bộ phận này đã tự hoạt động bình thường. Bệnh nhân sẽ không cần phải chạy thận nhân tạo nữa.
Trong hơn 5 năm, các nhà khoa học tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts và Công ty công nghệ sinh học eGenesis đã hợp tác tạo ra quả thận được chỉnh sửa gene để cấy ghép.
Các nhà nghiên cứu đã loại bỏ các gene có hại của lợn khỏi quả thận và các retrovirus bất hoạt ở lợn hiến tặng có khả năng gây nhiễm trùng ở người.
Các nhà khoa học cũng bổ sung gene người vào quả thận để tăng khả năng tương thích với bất kỳ người nhận nào.
Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Massachusetts tin rằng quả thận mới của Slayman có thể tồn tại trong nhiều năm, nhưng cũng thừa nhận rằng còn nhiều điều chưa biết trong việc cấy ghép từ động vật sang người.
Đây là ca ghép tạng lợn thứ ba vào người sống. Trước đó, các bác sỹ đã thực hiện hai ca ghép tim lợn cho người, tuy nhiên bệnh nhân tử vong sau vài tháng do quả tim ghép bị nhiễm virus lợn.
Cấy ghép nội tạng động vật sang người, còn được gọi là cấy ghép xeno, có thể mang lại hy vọng cho hàng nghìn người vẫn đang chờ hiến tạng.
Nhu cầu về hiến tạng tại Mỹ luôn vượt xa số lượng có sẵn trong kho dự trữ. Mỗi ngày, tại Mỹ có 17 người chết trong khi chờ ghép tạng.
Theo Mạng lưới Chia sẻ Nội tạng tại Mỹ (UNOS), cơ quan giám sát hệ thống cấy ghép nội tạng ở nước này, thận là cơ quan được yêu cầu cấy ghép nhiều nhất nhưng lại có ít nguồn cung nhất. Trong năm 2023, có khoảng 27.000 quả thận đã được ghép, tuy nhiên, trong danh sách chờ ghép thận có tới 89.000 người./.