Nhiều loại thuốc chưa được tối ưu hóa cho nhóm bệnh nhân châu Phi, do đó, các nhà khoa học đang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để điều chỉnh thuốc chữa bệnh phù hợp với người dân Lục địa Đen.
Bệnh nhân mắc tả được điều trị tại trung tâm y tế ở Tele, Mozambique. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, các nhà khoa học Nam Phi đang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để điều chỉnh thuốc chữa bệnh phù hợp với người dân châu Phi.
Giáo sư Kelly Chibale, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Khám phá Thuốc toàn diện (H3D) tại Đại học Cape Town, cho biết nghiên cứu và thử nghiệm thuốc thường không thành công ở cả giai đoạn lâm sàng và tiền lâm sàng, dẫn đến việc phát triển các loại thuốc không nhất thiết phải phù hợp để điều trị bệnh cho người dân ở châu Phi.
Theo Giáo sư Chibale, dân số châu Phi chiếm 15% dân số thế giới nhưng người dân ở châu lục này hứng chịu 20% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Ông nhấn mạnh các loại thuốc chưa được tối ưu hóa cho nhóm bệnh nhân châu Phi.
Dự án châu Phi GRADIENT, một sáng kiến được công ty dược phẩm GlaxoSmithKline và Novartis phối hợp với Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi (SAMRC) thúc đẩy, đang sử dụng AI để xác định các biến thể di truyền phổ biến ở châu Phi có thể ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của thuốc.
Các biến thể di truyền này sau đó được kết hợp vào các mô hình toán học để đưa ra liều lượng phù hợp được đề xuất và cần được đánh giá trong các thử nghiệm lâm sàng bắc cầu ở người.
AI có tiềm năng tăng tốc nghiên cứu y tế ở châu Phi, nhưng vẫn còn một số rào cản cần giải quyết, bao gồm khả năng tiếp cận điện và Internet, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và dữ liệu.
Ông Chibale cho rằng các học giả châu Phi nên dẫn đầu nghiên cứu này để đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho lục địa và người dân châu Phi cần đóng góp nhiều hơn vào đổi mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe./.