Để chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết, hạn chế tối đa những thiệt hại do dịch bệnh gây ra, tỉnh Thanh Hóa lên phương án cụ thể, với mục tiêu không để dịch bùng phát.
Người dân tham gia dọn dẹp vệ sinh phòng chống sốt xuất huyết.
Trước tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp, để chủ động phòng chống, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế Thanh Hóa yêu cầu, CDC Thanh Hóa giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch SXH hiện có và mới phát sinh, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện.
Cùng với đó tổ chức triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống SXH trên địa bàn và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại.
Đồng thời đảm bảo đủ nhu cầu về hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là hóa chất phòng chống dịch bệnh SXH, tay chân miệng và máy phun hóa chất để thực hiện công tác xử lý ổ dịch trên địa bàn triệt để, hiệu quả.
Tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt…
Xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của ngành y tế.
Tăng cường theo dõi người bệnh SXH đang nằm điều trị nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh SXH có diễn biến nặng. Củng cố và duy trì hoạt động của “nhóm điều trị bệnh SXH” và “đường điện thoại nóng phòng, chống dịch SXH” tại các đơn vị khám, chữa bệnh để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết…
Ông Lê Hồng Sơn, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Thanh Hóa cho biết: “CDC Thanh Hóa đã chỉ đạo các Trung tâm y tế xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy đợt I năm 2023. Hiện 100% các xã nguy cơ đã tổ chức định kỳ các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng chống SXH ở quy mô thôn, xóm với sự tham gia của y tế, chính quyền địa phương.
Tổ chức chiến dịch phun hóa chất, phối hợp với bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến huyện, Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố giám sát, xử lý ổ dịch SXH tại cộng đồng. Triển khai thực hiện giám sát trọng điểm, giám sát dựa vào sự kiện, giám sát định kỳ nhằm phát hiện kịp thời các ca bệnh đầu tiên, với mục tiêu không để bùng phát dịch SXH”.