Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học cho biết việc thức khuya thường xuyên và tiếp xúc với các nguồn ánh sáng nhân tạo vào ban đêm trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên tới 43%.
Việc tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm trong thời gian dài có thể làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ. (Ảnh: CNBC)
Theo nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học, ô nhiễm không khí và tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm – hai đặc trưng của cuộc sống ở thành phố lớn – có thể làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ.
Một nghiên cứu khoa học được công bố vào cuối tháng Ba vừa qua trên Tạp chí Stroke của Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) cho biết việc tiếp xúc liên tục với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm có thể làm tăng tới 43% nguy cơ tắc mạch máu não và xuất huyết não dẫn đến đột quỵ.
Nghiên cứu cũng cho biết việc tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo có thể làm giảm thời gian ngủ ban đêm và điều này cũng góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Nghiên cứu được các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện với hơn 28.300 người trưởng thành trong thời gian 6 năm từ năm 2015-2021 về tác động của ánh sáng nhân tạo đối với bệnh mạch máu não.
Những người tham gia đến từ thành phố cảng Ninh Ba, có độ tuổi trung bình là 62 và không có tiền sử bệnh mạch máu não – chẳng hạn như đột quỵ và chứng phình động mạch.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh vệ tinh cho thấy tình trạng ô nhiễm ánh sáng để phân tích dữ liệu về mức độ tiếp xúc của người tham gia với ánh sáng nhân tạo ngoài trời vào ban đêm. Sau đó, họ ghi lại các trường hợp đột quỵ hoặc bệnh mạch máu não khác thông qua hồ sơ y tế của bệnh viện.
Kết quả, các nhà khoa học đã phát hiện có tổng cộng 1.278 trường hợp bị bệnh về mạch máu não, trong số đó, có 900 trường hợp bị đột quỵ.
Họ đi đến kết luận: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mức độ tiếp xúc nhiều với ánh sáng nhân tạo ngoài trời vào ban đêm có thể là yếu tố nguy cơ gây mắc bệnh mạch máu não. Vì vậy, chúng tôi khuyên mọi người, đặc biệt là những người sống ở khu vực thành thị, nên cân nhắc việc giảm mức độ tiếp xúc đó để bảo vệ bản thân khỏi tác động có hại tiềm tàng của nó.”
Ngoài ra, báo cáo nghiên cứu cũng chỉ ra đèn sáng không phải là yếu tố duy nhất làm tăng nguy cơ đột quỵ. Những người tiếp xúc với ô nhiễm không khí do đốt nhiên liệu, bụi hoặc khói có tỷ lệ đột quỵ cao hơn tới 50%, trong khi những người tiếp xúc với khí thải nitơ oxit từ động cơ đốt trong của phương tiện cơ giới, các nhà máy điện công nghiệp… có nguy cơ đột quỵ cao hơn 31%.
Trên thực tế, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng khoảng 80% dân số thế giới hiện đang sống ở những khu vực ô nhiễm ánh sáng, là sự hiện diện quá mức của ánh sáng nhân tạo trong điều kiện tối, khiến họ bị khó ngủ hoặc mất ngủ.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cũng cho biết việc tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng mạnh hàng đêm có thể ngăn chặn cơ thể sản xuất hormone melatonin thúc đẩy giấc ngủ một cách tự nhiên. Các tác giả đưa ra giả thuyết rằng việc tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo có thể làm giảm thời gian của giấc ngủ ban đêm và do đó làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Tác giả của nghiên cứu, Tiến sỹ Nieca Goldberg, MD, Giám đốc Y tế của thành phố Atria New York, đồng thời là Giáo sư tại Trường Y khoa NYU Grossman cho biết: “Thiếu ngủ có thể khiến bạn bị tăng huyết áp cao, tăng lượng đường trong máu, tăng cân và nhịp tim bất thường.”
Về vấn đề ô nhiễm không khí, Tiến sỹ Bradley Serwer, MD, bác sỹ tim mạch và Giám đốc Y tế tại VitalSolution, cũng cho biết: “Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng đến tim bởi nó làm hỏng các mạch máu, khiến chúng không thể cung cấp đủ máu, làm tăng nguy cơ đông máu, tăng huyết áp và gây rối loạn nhịp tim.”
Tất cả thông tin trên đều rất nghiêm trọng, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng nghiên cứu trên vẫn chưa đủ.
Tiến sỹ Trent Orfanos, MD, FACC, Giám đốc Khoa Tim mạch tích hợp và Chức năng tại Case Integrative Health, cho biết: “Nghiên cứu này vẫn chưa thể chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa với các biến cố mạch máu não với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm và các chất gây ô nhiễm không khí vì đây không phải là một nghiên cứu can thiệp ngẫu nhiên theo thiết kế.”
Tiến sỹ Goldberg cũng cho biết: “Những người tham gia cuộc nghiên cứu chỉ đến từ một thành phố ở Trung Quốc. Chúng tôi cần xem xét thêm các dữ liệu tương tự có được tìm thấy ở các thành phố khác trên thế giới hay không.”
Vậy chúng ta cần làm gì để giảm nguy cơ đột quỵ?
Tiến sỹ Goldberg khuyến nghị bất kể bạn sống ở đâu, những điều cơ bản để giảm nguy cơ đột quỵ vẫn luôn là tập thể dục; tuân theo chế độ ăn kiêng kiểu Địa Trung Hải; ngủ từ 7-8 giờ mỗi đêm theo một lịch trình nhất quán; tắt hết các nguồn ánh sáng nhân tạo (đèn điện, màn hình tivi, máy tính, điện thoại…) trước khi đi ngủ để chúng không ảnh hưởng đến nhịp sinh học của bạn./.