Việt Nam sẽ có đại diện tham gia và trình bày phương án kiểm soát thuốc lá mới của Quốc gia tại Hội nghị về Kiểm soát Thuốc lá Toàn cầu lần thứ 10 (COP10), tổ chức vào cuối tháng 11 này.
Ông Trương Xuân Cừ, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Người Cao tuổi Việt Nam. (Ảnh: Trần Hiệp)
Dù đã có rất nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo được tổ chức để bàn thảo, hiến kế cho các Bộ, ngành liên quan về chính sách kiểm soát thuốc lá mới, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được sự thống nhất trong các ý kiến tham mưu.
Trong khi đó, Việt Nam sẽ có đại diện tham gia và trình bày phương án kiểm soát thuốc lá mới của Quốc gia tại Hội nghị về Kiểm soát Thuốc lá Toàn cầu lần thứ 10 (COP10), tổ chức vào cuối tháng 11 này.
Vai trò của bộ, ngành trong các kỳ họp COP
COP là hội nghị quốc tế về các vấn đề liên quan đến mọi loại thuốc lá (thuốc lá điếu, thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử…), bao gồm sức khỏe người dùng, thuế, đất trồng thuốc lá, công nghệ mới, quảng cáo, môi trường. Do vậy, COP không chỉ có sự tham gia của Bộ Y tế, Bộ Công Thương mà còn có sự hiện diện liên bộ, ngành.
Minh chứng cho tầm quan trọng của sự tham gia liên bộ tại COP5, từng có đề xuất hạn chế diện tích đất trồng và số tháng trồng cây thuốc lá trong năm và đã bị bác bỏ khi các chuyên gia từ Bộ Nông nghiệp của các nước phản biện rằng ý tưởng này không khả thi.
Vì vậy, sự tham gia của nhiều bộ ngành giúp bao trùm mọi khía cạnh của vấn đề được thảo luận, chẳng hạn, Bộ Ngoại giao sẽ giúp đảm bảo tính nhất quán trong các lập trường của quốc gia tại nhiều diễn đàn đa phương.
Mặc dù sẽ có thể đưa ra khuyến nghị cho các quốc gia thành viên tại COP, tuy nhiên Ban Thư ký Công ước khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) cũng luôn nhấn mạnh rằng các quốc gia đều có quyền tự quyết, vì chỉ họ mới có thể quyết định những nội dung có trong hiệp ước của chính họ.
Kể từ kỳ COP3 (năm 2008), các nước đã thảo luận về sự xuất hiện của thuốc lá mới. COP7 đã xác định thuốc lá làm nóng là thuốc lá; COP8 đưa ra khuyến nghị kiểm soát thuốc lá điện tử.
Xem xét kiểm soát thuốc lá mới phù hợp kinh tế thị trường tại Việt Nam
Sau những chỉ đạo của Chính phủ về việc đề xuất giải pháp kiểm soát thuốc lá mới từ năm 2017 đến nay, hiện các cơ quan tham mưu vẫn đang tìm kiếm giải pháp tiệm cận với mong đợi của các bên.
Tại một cuộc tọa đàm diễn ra vào giữa tháng 10 vừa qua, ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Tiêu dùng Thực phẩm thuộc Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, cho biết cơ quan này hiện đang đề xuất phương án quản lý sản phẩm này gần nhất với quan điểm của Bộ Y tế.
Ông Trương Xuân Cừ, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Người Cao tuổi Việt Nam, cho rằng việc quản lý thuốc lá liên quan đến nhiều bộ, ngành, nên cần quy định rõ ràng trách nhiệm của các bên, cơ quan nào làm chủ quản.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV.
Đồng tình với ý kiến của ông Cừ, Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV, cho rằng thuốc lá mới là một lĩnh vực rất rộng, liên quan đến nhiều bộ, ngành. “Tuy vậy, hiện chúng ta chỉ mới tiếp cận vấn đề này theo hướng bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề thị trường,” ông Kiên nhấn mạnh rằng thực tế cho thấy biện pháp cấm là khó khả thi.
Ông Kiên đề xuất: “Cần phải hài hòa giữa công tác quản lý Nhà nước, công tác tuyên truyền và công tác bảo vệ sức khỏe.”
Trên thực tế các bộ ngành vẫn đang thận trọng, chưa thống nhất phương án cuối cùng về kiểm soát thuốc lá mới. Việc thận trọng như vậy sẽ giúp chính sách quản lý các sản phẩm này được toàn diện và hiệu quả, bảo vệ quyền lợi của mọi đối tượng, bao gồm người hút thuốc, giới trẻ và cộng đồng.
Theo các chuyên gia, kỳ COP10 lần này là cơ hội để đoàn Việt Nam quan sát, tham khảo kinh nghiệm quản lý sản phẩm này từ các nước tiên tiến, đồng thời, có thể kêu gọi các tổ chức y tế quốc tế cung cấp thêm nhiều dữ liệu nghiên cứu toàn diện hơn về thuốc lá mới để thêm cơ sở đưa ra chính sách hợp lý góp phần chung tay chấm dứt nạn dịch hút thuốc lá trên toàn cầu./.
Sáng 7/11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của Bộ Công Thương và biện pháp tháo gỡ trong thời gian tới đối với vấn đề kiểm soát thuốc lá mới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết trong quá trình xây dựng quản lý chính sách thí điểm thuốc lá thế hệ mới, Bộ đang xây dựng phương án quản lý theo hướng tiệm cận nhất với ý kiến của Bộ Y tế để có thể trình Thủ tướng theo hướng phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư, các quy định khác có liên quan và chỉ đạo của Chính phủ.
Bộ Công Thương dự kiến sẽ đưa mặt hàng thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định 67/2013/NĐ-CP để có hình thức quản lý phù hợp. Dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong quý 4 năm nay. |