Theo Báo cáo triển vọng thị trường năng lượng mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu trong năm nay sẽ tăng thêm 2,2 triệu thùng/ngày lên mức cao kỷ lục 102 triệu thùng/ngày. Con số này cao hơn 1,3 triệu thùng/ngày so với mức tiêu thụ toàn cầu vào năm 2019.
Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng dầu thô tại các khu vực trên thế giới đang ngày càng có sự khác biệt rõ rệt. Nhu cầu về dầu tại các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đặc biệt là tại Bắc Mỹ và châu Âu, đang ở mức yếu. Trong quý 1/2023, nhu cầu về dầu của OECD đã giảm 0,39 triệu thùng/ngày, đánh dấu quý giảm thứ 2 liên tiếp.
Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết ấm hơn khiến nhu cầu sử dụng năng lượng cho sưởi ấm giảm. Đồng thời, tình trạng lạm phát và lãi suất cao cũng khiến các hoạt động kinh tế suy giảm, kéo theo đó là nhu cầu nhiên liệu giảm.
Ngược lại, tổng nhu cầu sử dụng của các quốc gia ngoài khối OECD lại đang tăng lên, chủ yếu đến từ việc Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế. Trong tháng 3 vừa qua, nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục 16 triệu thùng/ngày. Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất và tiêu thụ nhiên liệu lớn thứ hai thế giới.
IEA cũng cho biết thêm việc các nước phương Tây chủ trương giảm bớt nhiên liệu hóa thạch cũng góp phần nới rộng khoảng cách về nhu cầu sử dụng dầu thô với các nền kinh tế đang phát triển. Các nước đang phát triển vẫn coi dầu thô và than đá là nhiên liệu có chi phí vừa phải.
Về diễn biến giá dầu thô, IEA nhấn mạnh sự bất hợp lý giữa giá dầu hiện nay với triển vọng cung – cầu trong tương lai. Theo cơ quan này, giá dầu thô đã chạm mức thấp nhất trong 16 tháng qua. Trong khi đó, nhu cầu về dầu được kỳ vọng sẽ ở mức cao và nguồn cung dầu có thể bị siết chặt, tình huống này đáng lý sẽ phải đẩy giá dầu thô tăng lên.
IEA dự báo nguồn cung dầu toàn cầu sẽ chỉ tăng thêm 1,2 triệu thùng/ngày, đạt hơn 101 triệu thùng/ngày trong năm nay. Do đó, thị trường sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu. Tình trạng này sẽ bắt đầu ngay kể từ quý 2/2023 và mức thiếu hụt sẽ tăng lên khoảng 2 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay.
Những động thái gần đây của các quốc gia khai thác dầu thô chủ chốt đang ngày càng khiến thị trường đối mặt với rủi ro thiếu hụt nguồn cung cao hơn. Liên minh OPEC+ đã bắt đầu giảm sản lượng khai thác thêm 1,16 triệu thùng/ngày kể từ đầu tháng 5.
Như vậy, tổng sản lượng khai thác dầu được OPEC+ cắt giảm lên tới khoảng 3,66 – 3,86 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 3,8% tổng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu. Liên minh OPEC+, gồm 13 quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia đứng đầu và 10 quốc gia đồng minh do Nga đứng đầu, đang kiểm soát hơn 50% nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Đồng thời, các hãng khai thác dầu thô tại Hoa Kỳ đang cho thấy sự đình trệ trong việc mở rộng khai thác. Sản lượng khai thác dầu thô của Canada, quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 5 thế giới, cũng giảm ít nhất 3% trong tháng 5 do các vụ cháy rừng tại những khu vực khai thác trọng điểm.
Tuy nhiên, bất chấp tình trạng căng thẳng nguồn cung nêu trên, giá dầu thô hiện vẫn đang chịu áp lực giảm khi giới đầu tư lo ngại về triển vọng kinh tế trong thời gian tới. Hiện thị trường đang đối mặt với nhiều thông tin tiêu cực về tình trạng bế tắc đàm phán trần nợ công tại Hoa Kỳ, khả năng FED tiếp tục siết chặt chính sách tiền tệ nhằm chống lạm phát và rủi ro đối với hệ thống ngân hàng phương Tây trong môi trường lãi suất cao.