Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết tỉnh vừa có thêm 27 mã số vùng trồng sầu riêng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp phép, nâng tổng số mã vùng trồng của tỉnh lên 65.
Việt Nam hiện có 876 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc. (Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN)
Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) dẫn số liệu cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về số lượng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam.
Hiện Việt Nam có 876 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc; trong đó có 708 mã số vùng trồng sầu riêng được cấp phép.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết trên địa bàn tỉnh vừa có thêm 27 mã số vùng trồng sầu riêng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp phép, nâng tổng số mã vùng trồng của tỉnh lên 65, xếp vị trí thứ tư cả nước về số lượng mã số vùng trồng sầu riêng.
27 mã số vùng trồng sầu riêng Bình Phước vừa được cấp phép với diện tích 701,5ha, sản lượng 14.030 tấn. Tổng số mã vùng trồng cây sầu riêng của tỉnh được nâng lên 65 mã số với diện tích 2.412ha.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Phước, hiện nay tổng diện tích cây sầu riêng trên địa bàn là 5.300ha, sản lượng 14.800 tấn.
Các địa phương có diện tích cây sầu riêng lớn gồm huyện Bù Đăng, Phú Riềng, Bù Gia Mập, Lộc Ninh; trong đó, giống sầu riêng Dona chiếm 61%; Ri6 31%; Chín Hóa 5%; giống khác 4,3%.
“Hiện tại, việc giám sát quản lý mã số phục vụ xuất khẩu được tỉnh Bình Phước tiến hành định kỳ sáu tháng/lần và được báo cáo về Cục Bảo vệ Thực vật để thông tin cho nước nhập khẩu nhằm duy trì mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Có 95% sản lượng quả sầu riêng tươi của Bình Phước được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, còn lại tiêu thụ tại thị trường nội địa,” Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Phước cho biết.
Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản.
Tỉnh Bình Phước hiện nay đã xây dựng được 31 chuỗi liên kết trồng sầu riêng; trong đó có 20 doanh nghiệp tham gia liên kết với 29 hợp tác xã xây dựng mã số vùng trồng tại tỉnh.
Bình Phước đang định hướng phát triển diện tích trồng sầu riêng lên 8.000-10.000ha theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Để thực hiện nhiệm vụ cấp, quản lý mã số vùng trồng hiệu quả, vừa qua Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước đã ban hành công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ cấp, quản lý mã số vùng trồng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp mã số vùng trồng cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp mã số vùng trồng; chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý mã số vùng trồng và sử dụng mã số vùng trồng của các tổ chức, cá nhân đúng quy định.
Bình Phước hiện có 457.000ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, cây hàng năm hơn 27.600ha; cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả 429.800ha./.