Mặc dù nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại các thị trường chững lại sau dịp Tết, nhưng nhìn chung các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đều có doanh thu và sự phục hồi rõ rệt. Đây là cơ hội lớn cho ngành thủy sản Việt Nam tăng tốc trong những tháng tới.
Ưng dụng công nghệ chế biến theo chiều sâu để đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Nhiều doanh nghiệp bứt phá
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam ước đạt hơn 1,9 tỷ USD, tăng gần 8 % so với cùng kì năm 2023. Qua thống kê, các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Trung Quốc có sự bức phá ngoạn mục trong thời gian này.
Cụ thể, xuất khẩu sang Mỹ tăng 16%, sang Trung Quốc tăng hơn 30%. Với thị trường Nhật Bản chỉ tăng khiêm tốn hơn 5%. Thị trường lớn thứ 4 là Hàn Quốc, kết quả xuất khẩu tương đương cùng kỳ năm 2023.
Rêng xuất khẩu tôm sang Mỹ trong quý I tăng 15%; xuất khẩu cá ngừ, cá tra và cua ghẹ sang thị trường này đều tăng mạnh từ 13 – 53%. Giá trung bình cá tra xuất khẩu sang Mỹ đang hồi phục so với mức thấp chạm đáy vào cuối năm, tới cuối tháng 2 ở mức 2,66 USD/kg. Giá tôm chân trắng cũng hồi phục nhẹ so với cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức thấp so với giá trung bình trong 5 năm qua.
Tại thị trường Trung Quốc, cá tra, tôm chân trắng, tôm hùm, cá cơm và cua là 5 loài thủy sản Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc. Đặc biệt, xuất khẩu tôm hùm và cua sang thị trường này bứt phá mạnh mẽ trong quý I năm nay, trong đó tôm hùm tăng gấp 11 lần, cua tăng gấp 7 lần so với quý 1/2023. Nước này đang siết chặt kiểm tra tôm nhập khẩu từ Ecuador, khiến cho nguồn cung từ nước này giảm, tạo ra dư địa cho tôm chân trắng của Việt Nam. Trong quý I, xuất khẩu tôm chân trắng sang Trung Quốc tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.
Đáng chú ý khi thị trường Australia nằm trong Top 5 thị trường lớn nhất và mang lại kim ngạch cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam hơn 18%, trong Top 8 là Canada với mức tăng mạnh 59% so với cùng kỳ.
Theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, với chiều hướng tích cực của 2 thị trường chủ đạo trên, nhiều doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng vượt trội trong quý 1/2023. Đứng đầu là Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng có doanh số cao hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 3,3 tổng kim ngạch xuất thủy sản của cả nước. Tập đoàn Vĩnh Hoàn đang tăng tốc trở lại với doanh số xuất khẩu tăng 14% và chiếm gần 2,9% tổng xuất khẩu thuỷ sản của cả nước. Đứng trong Top 3 còn có Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú với kim ngạch xuất khẩu bứt phá cao gấp 1,5 lần so với cùng kỳ.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tôm, cá tra, cá ngừ có kim ngạch cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, như: Minh Phú Hậu Giang, Công ty FIMEX Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Cá ngừ Việt Nam, Công ty Thuận Phước, Công ty Vạn Đức Tiền Giang, Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam…
Tuy nhiên, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho hay, thị trường nội địa còn những thách thức, rào cản và sức ép cạnh tranh với các nước khác như vấn đề thẻ vàng đánh bắt bất hợp pháp (IUU) của thị trường châu Âu, thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ, căng thẳng Biển Đỏ và xung đột thương mại dẫn đến cạnh tranh nhiều hơn tại Mỹ, Trung Quốc… Do vậy, doanh nghiệp luôn cần sẵn sàng tâm thế đối diện với thách thức, vượt qua những rào cản, đồng thời sẵn sàng những cú huých để hồi phục và bứt phá sớm hơn dự kiến.
Sẵn sàng vượt thách thức
Công nhân nhà máy GODACO tại Khu công nghiệp Mỹ Tho đang làm đơn hàng hàng cá tra xuất khẩu. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN
Hiện ngành thuỷ sản Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, điển hình như còn 3 tháng nữa sẽ đến đợt kiểm tra của Uỷ ban châu Âu (EC) về quá trình khắc phục khai thác bất hợp pháp, không khai báo (IUU), hay bất cập trong sản xuất kinh doanh, chi phí đầu vào cho chuỗi cung ứng tăng…
Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết: Năm 2024 có nhiều khó khăn, nhất là việc EC duy trì giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thị trường và lượng tồn kho của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Đối với nuôi trồng thủy sản, ngoài truy xuất nguồn gốc từ cơ sở nuôi đến nhà máy chế biến và xuất khẩu, các thị trường cũng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm, sử dụng đúng và tăng cường sản phẩm vi sinh cho bảo đảm chất lượng.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản sản chia sẻ, dù thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng những con số tăng trưởng của ngành hàng tôm và cá tra đã mang lại sự tin tưởng và hy vọng vào sự hồi phục mạnh mẽ hơn trong năm nay. Thời gian tới, để đảm bảo chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị ngành thuỷ sản chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho ngành hàng thuỷ sản, các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, đầu tư và giữ vững thương hiệu chất lượng an toàn của thuỷ sản Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản sản nhấn mạnh: Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng và trông đợi vào việc tiếp tục đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính và các hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp cũng như ngành thuỷ sản. Bởi, sự đồng hành này sẽ giúp ngành thuỷ sản Việt Nam giải quyết được bài toán của từng lĩnh vực ngành hàng như: vấn đề chất lượng giống tôm, giống cá tra, thức ăn nuôi thuỷ sản, cải thiện năng suất và giảm giá thành sản xuất…
Về thị trường, cộng đồng doanh nghiệp thuỷ sản cùng các địa phương và cơ quan nhà nước cũng cần tiếp tục chung tay gia tăng xuất khẩu tại các thị trường truyền thống, đồng thời, thâm nhập và khai thác thêm nhiều hơn nữa các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, ASEAN…