Nhờ sự chủ động chuẩn bị của EVN và các đơn vị thành viên nên trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các nhà máy điện cùng toàn bộ hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối vận hành an toàn, ổn định.
Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 8-14/2), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ nhân dân cả nước vui đón Xuân Giáp Thìn 2024.
Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, trong kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn, công suất tiêu thụ điện cao nhất của toàn hệ thống điện Quốc gia bình quân ngày chỉ ở mức khoảng 27.026 MW, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày ở mức khoảng 490,1 triệu kWh/ngày.
Mức tiêu thụ điện trên cả nước trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 giảm 31,7% so với ngày thường của tuần trước Tết. Tuy nhiên, mức tiêu thụ điện bình quân ngày trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 cao hơn cùng kỳ dịp Tết Quỹ Mão 2023 là 11,2%.
Như đã dự báo trước đó, nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc vào dịp Tết Nguyên đán đã giảm thấp đáng kể so với ngày thường.
Theo số liệu thống kê thực tế, trong kỳ nghỉ Tết, công suất phụ tải toàn quốc vào giờ thấp điểm giảm chỉ còn hơn 14.900MW, tương ứng tỷ lệ khoảng 60% so với ngày thường.
Với mức tiêu thụ điện giảm thấp trong dịp nghỉ Tết, nhiều loại hình nguồn điện buộc phải giảm phát phù hợp với nhu cầu phụ tải.
Trên thực tế đối với hệ thống điện hiện nay, để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia bắt buộc phải duy trì một số tổ máy điện truyền thống như nhiệt điện than, turbine khí, thủy điện… ở mức tối thiểu để đảm bảo quán tính và ổn định cho hệ thống điện cũng như có đủ công suất dự phòng trong các tình huống sự cố nguồn điện hoặc các biến động bất thường trong vận hành thực tế.
Chính vì vậy, khi công suất phụ tải tiêu thụ xuống quá thấp, các nguồn truyền thống đã ngừng, giảm phát đến giới hạn kỹ thuật mà tổng công suất phát vẫn vượt nhu cầu tiêu thụ dẫn đến yêu cầu bắt buộc phải điều chỉnh giảm công suất huy động từ tất cả các loại hình nguồn điện, kể cả từ các nguồn năng lượng tái tạo (như thủy điện nhỏ, điện mặt trời, điện gió) để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia.
Do đã chủ động, kịp thời thông tin rộng rãi, cảnh báo về vấn đề an ninh-an toàn trong vận hành hệ thống điện trước và trong dịp Tết, đồng thời, nhờ sự tích cực phối hợp của các đơn vị vận hành nguồn và lưới điện, các chủ đầu tư nguồn phát điện (trong đó bao gồm cả điện mặt trời mái nhà) về cơ bản đã thực hiện đúng theo các mệnh lệnh điều độ.
Từ đó, góp phần đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia, không gây sự cố và ảnh hưởng cung cấp điện.
Nhờ sự tích cực chủ động chuẩn bị của EVN và các đơn vị thành viên về phương án chi tiết đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, tổ chức ứng trực tăng cường, sẵn sàng nhân lực và phương tiện, vật tư thiết bị xử lý sự cố, phòng chống cháy nổ, nên trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các nhà máy điện cùng toàn bộ hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối đã vận hành cơ bản an toàn, ổn định.
Do đặc điểm phụ tải thấp trong thời gian diễn ra kỳ nghỉ Tết, điện áp các hệ thống điện miền và hệ thống 500 kV tăng cao nên Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia và các Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền đã điều phối việc tách một số đường dây cao áp và siêu cao áp ra khỏi vận hành để đảm bảo điện áp toàn hệ thống nằm trong giới hạn cho phép, đáp ứng yêu cầu vận hành an toàn.
Một số ít sự cố xảy ra trên lưới điện phân phối do người dân vi phạm hành lang an toàn lưới điện (như thả diều, bóng bay, bắn dây kim tuyến…) lên đường dây được các lực lượng ứng trực xử lý kịp thời, khôi phục cấp điện trở lại trong thời gian sớm nhất.
Trong dịp nghỉ Tết cũng được ghi nhận không xảy ra tai nạn lao động về điện, không có hiện tượng cháy nổ điện. Ngoài ra, các đơn vị trong toàn EVN đã nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chức năng…/.