Quảng Nam: Tái định cư cho đồng bào vùng tâm điểm sạt lở núi Nam Trà My

Khu dân cư Bằng La là một điển hình thành công trong công tác quy hoạch, sắp xếp lại chỗ ở, bố trí tái định cư ổn định lâu dài, gắn với việc bố trí đất sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào.

Khu dân cư Bằng La, xã Trà Leng, là một điển hình thành công trong công tác quy hoạch, sắp xếp lại chỗ ở, bố trí tái định cư ổn định lâu dài, gắn với việc bố trí đất sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Cùng với huyện Phước Sơn, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) được xem là vùng tâm điểm sạt lở núi vào mùa mưa lũ trong nhiều năm qua.

Để ổn định chỗ ở và sản xuất cho đồng bào, huyện đã lồng ghép nguồn vốn từ nhiều chương trình, trong đó có Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số để đầu tư xây dựng các khu tái định cư tập trung, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác sắp xếp dân cư, ổn định cuộc sống và tạo sinh kế cho người dân.

Sau 3 năm xây dựng, khu dân cư Bằng La (xã Trà Leng) là một điển hình thành công trong công tác quy hoạch, sắp xếp lại chỗ ở, bố trí tái định cư ổn định lâu dài, gắn với việc bố trí đất sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào, được người dân ở vùng trọng điểm sạt lở núi và lũ quét huyện Nam Trà My yên tâm gắn bó lâu dài.

Anh Hồ Văn Đại (người dân xã Trà Leng) chia sẻ khi mới về ở trong khu tái định cư Bằng La, không ít hộ dân còn lo sợ vì nước sông dâng cao và chảy xiết trong mùa mưa lũ.

Bây giờ có đường giao thông nên việc đi lại, vận chuyển lương thực, thực phẩm và trao đổi hàng hóa của người dân rất thuận lợi.

Đặc biệt, bờ kè sông Bằng La được xây dựng kiên cố. Do đó, người dân nơi đây yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.

Kè chống sạt lở cho khu dân cư Bằng La, xã Trà Leng, hoàn thành trước mùa mưa lũ năm 2024. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Trà Leng Lê Đại Lương cho biết để có khu tái định cư cho đồng bào ở những khu vực bị sạt lở núi, ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu (như: nhà ở kiên cố, hệ thống đường giao thông nội vùng, điện sinh hoạt, trường học), nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng cũng được xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, nhiều công trình khác như hệ thống cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt, kè chống sạt lở bảo vệ khu dân cư và tuyến đường trục chính có tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng giúp người dân Trà Leng giao thương với các địa phương khác đã được xây dựng và đưa vào sử dụng.

“Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, người dân ở vùng sạt lở núi và lũ quét đã được đến khu tái định cư có đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu. Nhân dân rất mừng và biết ơn. Về kinh tế, người dân được hỗ trợ giống, lương thực để trồng cây dược liệu, trồng sâm, hỗ trợ chăn nuôi. Cuộc sống của đồng bào đã ổn định, tình trạng thiếu ăn lúc giáp hạt cơ bản được khắc phục,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Trà Leng chia sẻ.

Là huyện vùng cao, để ổn định đời sống và sản xuất cho đồng bào ở những vùng có nguy cơ sạt lở núi cao, vùng lũ quét, năm 2024, huyện Nam Trà My đã triển khai đồng thời các khu tái định cư tập trung và tái định cư xen ghép tại chỗ ở các xã: Trà Tập, Trà Cang, Trà Linh và Trà Vân.

250 hộ đồng bào được sắp xếp, bố trí chỗ ở mới tại các khu tái định cư tập trung, hơn 70 hộ được bố trí tái định cư xen ghép tại chỗ.

Con em đồng bào xã Trà Leng được học tập trong ngôi trường khang trang. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Cùng với việc bố trí tái định cư, huyện Nam Trà My đã tích cực tìm kiếm quỹ đất để bố trí đất sản xuất, lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau để hỗ trợ sinh kế bền vững cho đồng bào.

Là một trong số 57 hộ sẽ về ở nhà mới của khu tái định cư thôn 5 xã Trà Tập, ông Đinh Văn Kia phấn khởi cho biết thôn 5 xã Trà Tập là một trong những khu vực thường xuyên bị sức ép của sạt lở núi. Do đó, người dân rất lo sợ khi mùa mưa đến.

Trước mùa mưa năm nay, người dân sẽ được về nơi ở mới. Để mọi người yên tâm gắn bó lâu dài với khu tái định cư, ngoài nhà ở, người dân cần được bố trí đất sản xuất ở những nơi thuận lợi và phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào; có vốn để phát triển sản xuất và chăn nuôi tăng thêm nguồn thu.

Theo ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nam Trà My, khu dân cư Bằng La là điển hình trong công tác tái định cư, ổn định chỗ ở lâu dài và tạo sinh kế bền vững cho đồng bào.

Khu dân cư này cũng như các khu dân cư tập trung cho đồng bào ở những nơi có nguy cơ sạt lở núi cao đều được Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khá đồng bộ; đường giao thông, trường học, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng được xây dựng khang trang. Người dân rất phấn khởi.

Tuy nhiên, khó khăn nhất trong công tác tái định cư và tạo sinh kế bền vững cho đồng bào là quỹ đất ở và đất sản xuất. Do đó, việc tìm quỹ đất bố trí tái định cư, đất sản xuất cho đồng bào vùng sạt lở núi và lũ quét luôn là vấn đề được địa phương đặc biệt quan tâm./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top