Ngày 12/7, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Thái Bình, Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã bế mạc. HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết quy định mức thưởng cho các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn giai đoạn 2019 – 2022, với mức 3 tỷ đồng/xã.
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Thái Bình có 25 xã đã được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2019 – 2022 và được thưởng, gồm: Quỳnh Minh, An Khê, Quỳnh Giao, Quỳnh Thọ, Quỳnh Hoàng (huyện Quỳnh Phụ); Hồng An, Tiến Đức, Hòa Bình, Chí Hòa (huyện Hưng Hà); Bình Định, Vũ Ninh, Vũ Hòa, Bình Thanh, Nam Bình, Quang Trung (huyện Kiến Xương); Thụy Phúc, Thụy Chính, Thụy Liên, Thụy Ninh, Thụy Duyên, Thụy Thanh (huyện Thái Thụy); Tây Giang, Vân Trường (huyện Tiền Hải); Nguyên Xá, Minh Quang (huyện Vũ Thư).
Tỉnh thực hiện thưởng một lần dưới hình thức bổ sung vốn đầu tư cho UBND xã để xây dựng các công trình phúc lợi và tiếp tục phấn đấu, củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết ban hành một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đến hết năm 2025. Theo đó, từ nguồn ngân sách tỉnh, khi huyện được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới nâng cao theo quy định tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Thái Bình sẽ hỗ trợ 20 tỷ đồng mỗi huyện để đầu tư xây dựng các công trình nông thôn mới, đảm bảo phù hợp với kế hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Khi xã được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn giai đoạn 2021 – 2025, Thái Bình hỗ trợ 3 tỷ đồng mỗi xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hỗ trợ 5 tỷ đồng mỗi xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu để đầu tư xây dựng các công trình nông thôn mới, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
Theo UBND tỉnh, sau hơn 10 năm (2010 – 2022) triển khai, Chương trình nông thôn mới của Thái Bình đạt được những thành tựu quan trọng. Bên cạnh việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới đến giai đoạn năm 2020… Đến nay, Thái Bình đã có 100% số xã, 7/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Thái Bình hoàn thành xây dựng nông thôn mới; có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5 xã đã được Đoàn thẩm định cấp tỉnh thẩm định xã đạt các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; có 113 sản phẩm OCOP, trong đó 48 sản phẩm đạt 4 sao, 65 sản phẩm xếp hạng 3 sao.
Việc thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh còn gặp một số khó khăn; 25 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao nói trên chưa được hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước. Do đó, cần thiết phải ban hành hai nghị quyết này nhằm khuyến khích, động viên, tạo động lực cho các huyện, xã tổ chức, triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Thái Bình còn thông qua 16 nghị quyết quan trọng khác, như: Ban hành quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028; Phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 bổ sung hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Bình; về việc thông qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 – 2030…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành nhấn mạnh, để thực hiện tốt các nghị quyết đã thông qua, góp phần thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh khẩn trương thể chế hóa các nghị quyết này thành các quy định, chính sách, kế hoạch cụ thể, nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đạt chất lượng, hiệu quả cao. UBND tỉnh rà soát các chỉ tiêu kinh tế – xã hội để làm rõ những chỉ tiêu còn khả năng, khẩn trương có giải pháp thiết thực, cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, cơ quan, đơn vị nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, nguồn lực, tạo ra các giá trị mới và sự phát triển, bứt phá;… Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, coi trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030, trên nguyên tắc đảm bảo tính hiệu quả, bền vững; quyết liệt đưa các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn mà tỉnh đã ban hành vào cuộc sống…