Theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững (Dự án 4) gồm 3 tiểu dự án: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn; Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Hỗ trợ việc làm bền vững.
Nhiều gia đình người dân tộc thiểu số tại huyện Krông Pa (Gia Lai) đã có đời sống khá giả nhờ nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu Quốc gia. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN
Phấn đấu kết nối việc làm thành công cho 27.000 người lao động
Để thực hiện Tiểu dự án 1 (Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn), ngân sách trung ương đã phân bổ 1.674,139 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển là 466,7 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 1.207,439 tỷ đồng). Ngân sách địa phương phân bổ 97,764 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển là 39,411 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 58,353 tỷ đồng) và nguồn huy động khác là 1 tỷ đồng.
Mục tiêu của Tiểu dự án 1 là có khoảng 47.800 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề; 146 cơ sở, huyện được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo; xây dựng 39 bộ chuẩn về giáo dục nghề nghiệp; tập huấn, bồi dưỡng về xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp cho 234 lượt người; phát triển 118 bộ chương trình, học liệu; đào tạo, bồi dưỡng cho 4.803 lượt người là đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp…
Tiểu dự án 2 (Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) đã được phân bổ 78 tỷ đồng vốn sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương; 2,969 tỷ đồng vốn sự nghiệp từ nguồn ngân sách địa phương.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, khoảng 2.242 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động là người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được hỗ trợ đào tạo và hỗ trợ các thủ tục đi làm việc ở nước ngoài.
Các địa phương đã tích cực tuyên truyền, tư vấn, vận động người lao động và thân nhân người lao động thuộc đối tượng của Chương trình để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác hỗ trợ, tư vấn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thông tin về thị trường tiếp nhận lao động phù hợp với điều kiện, đặc điểm của người lao động thuộc đối tượng của Chương trình. Tổng số tiền đã giải ngân là 1,497 tỷ đồng, đạt 1,84%.
Tiểu dự án 3 (Hỗ trợ việc làm bền vững) được phân bổ 581,498 tỷ đồng, gồm 544,22 tỷ đồng nguồn ngân sách trung ương (vốn đầu tư phát triển là 182,7 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 361,52 tỷ đồng) và 37,278 tỷ đồng nguồn ngân sách địa phương (vốn đầu tư phát triển là 9,055 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 28,223 tỷ đồng).
Tiểu dự án 3 đặt ra mục tiêu 100% người lao động (trong đó có đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo) có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. Bước đầu các địa phương mới triển khai nội dung liên quan đến hỗ trợ kết nối việc làm cho người lao động, với việc tổ chức 412 phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, thu hút 1.009 doanh nghiệp và tư vấn, cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm cho gần 66.584 lượt người lao động.
Một số địa phương, nhất là tại các đơn vị cấp huyện, đã tổ chức các hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm với hàng nghìn người lao động tham gia. Năm 2023, phấn đấu hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho 27.000 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn.
Còn vướng mắc
Theo phản ánh của một số địa phương, việc thực hiện Dự án 4 về Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững vẫn còn khá nhiều vướng mắc. Đơn cử như Tiểu dự án 1 về Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn, các tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bình Định, Quảng Trị… cho biết, hiện nay, UBND huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai đào tạo nghề cho người lao động.
Tuy nhiên, một số địa phương vẫn chưa mở được lớp đào tạo vì Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chưa có hướng dẫn với đối tượng tuyển sinh là người lao động có thu nhập thấp. Các địa phương đề nghị Trung ương hướng dẫn tiêu chí và cách xác định các đối tượng là “người lao động có thu nhập thấp”, “người dân” trên địa bàn nông thôn và “lao động nông thôn” được hỗ trợ học nghề; người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) để thực hiện.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho hay, Bộ đang dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH, trong đó dự kiến bổ sung quy định về giải thích các từ ngữ “người lao động có thu nhập thấp”; “người dân trên địa bàn nông thôn” và “lao động nông thôn” để hướng dẫn cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế.Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong khi chưa có quy định xác định đối tượng nêu trên, tập trung tổ chức đào tạo cho các đối tượng khác của Chương trình.
Về quy định “người dân” trên địa bàn nông thôn và “lao động nông thôn” được hỗ trợ học nghề; người khuyết tật (không có sinh kế ổn định), theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Quyết định số 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 quy định địa bàn nông thôn là “các thôn, các xã, các huyện, các thị xã và thành phố thuộc tỉnh có xã của 63 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương”.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn đến năm 2030”. Trong đó, đối tượng “lao động nông thôn” được hiểu là lao động nông thôn trong độ tuổi lao động (bao gồm người lao động có đăng ký thường trú tại xã; người lao động có đăng ký thường trú tại phường, thị trấn đang trực tiếp làm nông nghiệp hoặc thuộc hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi; người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã khu vực nông thôn), có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học.
Ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, ngư dân, người lao động ở huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, biến đổi khí hậu.
Cũng liên quan đến Tiểu dự án 1, Đồng Tháp cho biết, theo Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, trên địa bàn tỉnh chỉ thực hiện được nội dung hỗ trợ về đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp, đã gây khó khăn trong công tác giải ngân nguồn vốn. Tỉnh này đề nghị mở rộng các nội dung được thực hiện về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn không phải vùng nghèo, vùng khó khăn.
Tỉnh Đồng Tháp cho rằng, có sự trùng lặp về chính sách đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng giữa Điều 21, Thông tư số 17/2022/TT- BLĐTBXH (hướng dẫn thực hiện một số nội dung về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động tại các tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025) với Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, phạm vi, nội dung thực hiện các hoạt động của Tiểu dự án “Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn” đã được quy định cụ thể tại Quyết định số 90/QĐ-TTg. Thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tổ chức đánh giá, phát hiện những bất cập qua thực tế triển khai để có những kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh phạm vi, nội dung thực hiện (nếu có) cho phù hợp.
Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng theo hướng mỗi người chỉ được hỗ trợ đào tạo một lần theo chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước, những người trước đây đã được hỗ trợ đào tạo theo các chính sách hiện hành khác của Nhà nước sẽ không được tiếp tục hỗ trợ đào tạo theo chính sách quy định tại Thông tư này.
Trường hợp người đã được hỗ trợ đào tạo nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan, UBND cấp xã xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi việc làm theo chính sách quy định tại Thông tư 152 nhưng tối đa không quá 3 lần/người. Do vậy, đối tượng có thể trùng nhưng mỗi người được lựa chọn chương trình đào tạo phù hợp theo nhu cầu.