Tỉnh An Giang có 3 dự án phòng, chống sạt lở bờ sông đặc biệt nguy hiểm cần thực hiện khẩn cấp với tổng kinh phí 397 tỷ đồng. Tỉnh An Giang kiến nghị nguồn kinh phí trên hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023.
Sạt lở tại kênh 10 Châu Phú. Ảnh tư liệu: TTXVN phát
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, An Giang được Trung ương đầu tư xây dựng các công trình kè tại các vị trí sạt lở trên các tuyến sông, kênh, rạch. Từ đó tỉnh đã chủ động, kịp thời ngăn chặn diễn biến sạt lở đường bờ đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, các cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong khu vực, từng bước ổn định đời sống người dân trong vùng sạt lở để họ yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, thiên tai, sạt lở trên địa bàn An Giang hiện tại diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh sạt lở bờ sông thì sạt lở các kênh, rạch lớn cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà cửa, sản xuất và lưu thông đường thủy, bộ, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân sống trong khu vực. Vì vậy, tỉnh cần có nguồn kinh phí lớn để khắc phục sạt lở.
Trước tình hình sạt lở gia tăng, UBND tỉnh An Giang đã có báo cáo số 736/BC-UBND về việc khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo báo cáo, trên địa bàn tỉnh An Giang có 3 dự án phòng, chống sạt lở bờ sông đặc biệt nguy hiểm cần thực hiện khẩn cấp với tổng kinh phí 397 tỷ đồng. Tỉnh An Giang kiến nghị nguồn kinh phí trên hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023.
Cụ thể, Dự án Kè xử lý khẩn cấp sạt lở bờ bắc kênh Rạch Giá – Long Xuyên (thuộc khu vực tổ 15, ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) chiều dài kè 350 m, tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng. Trước đó, ngày 12/6/2023, bờ bắc kênh Rạch Giá Long Xuyên xảy ra sạt lở dài khoảng 45m, ăn sâu vào 1/2 mặt đường giao thông liên xã Mỹ Khánh (Võ Văn Hoài) và nguy cơ ảnh hưởng đến 110 hộ dân lân cận khu vực sạt lở.
Theo UBND tỉnh An Giang việc đầu tư xây dựng kè xử lý khẩn cấp sạt lở bờ bắc kênh Rạch Giá – Long Xuyên nhằm khắc phục tình trạng sạt lở đang diễn biến phức tạp, bảo vệ đường bờ sông, bảo vệ an toàn tuyến giao thông chính liên xã Mỹ Khánh…
Dự án Kè khắc phục sạt lở bờ sông Tiền đoạn tiếp giáp đầu kè Tân Châu, phường Long Châu, thị xã Tân Châu chiều dài 1.426 m, tổng mức đầu tư 272 tỷ đồng. Hiện nay, diễn biến sạt lở bờ sông khu vực này diễn biến ngày càng phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư sinh sống tập trung, khu trung tâm độ thị của thị xã và nguy cơ ảnh hưởng đến đầu tuyến kè Tân Châu hiện hữu.
Nhằm tiếp tục bảo vệ bờ sông và phát huy hiệu quả tối đa của kè Tân Châu hiện hữu, cần thiết phải xây dựng tuyến kè đấu nối với tuyến kè Tân Châu hiện hữu về phía thượng lưu thuộc phường Long Châu, thị xã Tân Châu.
Đối với dự án Kè xử lý khẩn cấp sạt lở bờ Tây sông Hậu, tại tổ 44, khóm Bình Đức 4, phường Bình Đức, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang từ đầu kè hiện hữu về phía cầu Cần Xây chiều dài kè 500 m; tổng mức đầu tư 75 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh An Giang, việc đầu tư xây dựng kè xử lý sạt lở bờ Tây sông Hậu nhằm khắc phục tình trạng sạt lở đang diễn biến phức tạp, không gây sạt lở tiếp tục, bảo vệ đường bờ sông đang diễn biến sạt lở phức tạp, bảo vệ tuyến đường Quốc lộ 91 nguy cơ ảnh hưởng lâu dài, đặc biệt là bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhiều người dân sống trong đoạn sạt lở và có nguy cơ sạt lở.
Ngoài ra, tỉnh An Giang cũng cam kết thời gian thực hiện giải ngân, đảm bảo công tác thi công và hoàn thành 3 dự án khắc phục sạt lở trên trong năm 2024.
Là tỉnh có rất nhiều sông, kênh, rạch, hai dòng sông Tiền và sông Hậu chảy qua địa bàn với nhiều đoạn sông cong, An Giang cũng là địa phương có nền đất yếu, rất dễ bị xâm thực, bào mòn nhanh nên thời gian qua số vụ sạt lở trên địa bàn tỉnh gia tăng cả về quy mô và tầng suất.
Theo kết quả đo đạc, quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, tỉnh hiện có 56 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài hơn 181.500m; trong đó, có 5 đoạn ở mức độ bình thường, 46 đoạn ở mức độ nguy hiểm và 5 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm.
Trong 8 tháng năm 2023, An Giang ghi nhận 73 vụ sạt lở, rạn nứt, sụp lún đất bờ sông, kênh, rạch với tổng chiều dài 3. 511 m; trong đó, huyện An Phú là địa phương ghi nhận nhiều điểm sạt lở nhất với 25 điểm, tiếp theo là huyện Chợ Mới 13 điểm, Châu Phú 10 điểm… Sạt lở ảnh hưởng đến 95 căn nhà dân, gây thiệt hại nhiều tài sản như nhà kho, nhà máy, lò sấy… và ảnh hưởng đến lộ giao thông qua lại của người dân… So với cùng kỳ năm 2022, số vụ sạt lở 8 tháng năm 2023 tăng hơn 2 lần.
Nguyên nhân sạt lở tăng cao được cơ quan chức năng xác định do tác động của biến đổi khí hậu; sự tác động của mực nước trên sông rạch, biên độ chênh lệch của đỉnh triều – chân triều lớn; hình thái dòng sông uốn cong, cấu trúc địa chất bờ sông yếu. Bên cạnh đó, việc xây dựng từ nhà ở, xây dựng kho bãi, nhà máy kiên cố, công trình giao thông… gần bờ sông, bờ kênh vượt khả năng chịu tải của bờ sông, bờ kênh gây sạt lở…