Việc một số container nông sản bị yêu cầu tạm dừng xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp lý giải là để làm rõ vi phạm quy định kiểm dịch thực vật được Trung Quốc thông báo.
Liên quan đến thông tin hàng trăm container chuối, mít, sầu riêng, thanh long… chuẩn bị xuất sang Trung Quốc bất ngờ nhận được công văn từ cơ quan chức năng yêu cầu tạm dừng xuất khẩu mà báo chí phản ánh, ông Hoàng Trung – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho biết, việc tạm dừng khai thác những mã số này để yêu cầu doanh nghiệp, cơ quan quản lý địa phương phải làm rõ nguyên nhân vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật được phía Trung Quốc thông báo, đồng thời đưa ra giải pháp khắc phục, khi nào hoàn thành xong sẽ tiếp tục được xuất khẩu trở lại.
Xuất nhập khẩu hàng hóa tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn)
Việc các doanh nghiệp nói “bất ngờ” nhận được thông báo từ cơ quan kiểm dịch thực vật phải tạm dừng khai thác mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc là không đúng, không khách quan.
Trước đó, ngày 24/8, tại Lạng Sơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì tổ chức Hội nghị về quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh phía nam và rất nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tại hội nghị này, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nói rất rõ sẽ đề nghị tạm dừng xuất khẩu đối với một số mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật theo thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã gửi thông báo chính thức bằng văn bản để các địa phương, doanh nghiệp được biết và phải thực hiện nghiêm túc.
Theo ông Hoàng Trung, việc chủ động áp dụng biện pháp này để siết chặt quản lý chất lượng nông sản vào thị trường Trung Quốc, khi đây là thị trường lớn và rất quan trọng. Nếu tiếp tục để Trung Quốc phát hiện thêm các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam có vi phạm như thời gian qua, nguy cơ rất cao họ sẽ áp dụng biện pháp tạm dừng hoặc cấm nhập khẩu, ảnh hưởng rất lớn đến nhiều mặt hàng nông sản đang xuất khẩu vào Trung Quốc.
Trước đó, tại Hội nghị tăng cường quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói diễn ra ngày 24/8/2023 tại thành phố Lạng Sơn, ông Hoàng Khánh Duy – phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) – cho biết, Trung Quốc ngày càng nâng cao yêu cầu đối với chất lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là đối với hoạt động kiểm soát sinh vật gây hại trên các mặt hàng này. Trong quá trình kiểm hoá, khi phát hiện một trường hợp có sinh vật gây hại trên mặt hàng, phía Bạn xử lý rất nặng, yêu cầu toàn bộ lô hàng phải quay đầu về Việt Nam, đôi khi còn dừng nhập khẩu mặt hàng này trong một thời gian dài, như tiền lệ đã có mặt hàng quả ớt của Việt Nam.
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, mới đây, đơn vị này đã có văn bản thông báo đến các địa phương đề nghị tạm dừng xuất khẩu 74 mã số vùng trồng và đề nghị thu hồi 47 mã số cơ sở đóng gói vi phạm quy định kiểm dịch thực vật theo thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Cục Bảo vệ thực vật đề nghị những đơn vị sở hữu mã số vi phạm phải có biện pháp làm rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục, không để tái diễn vi phạm. Trong số đó có nhiều mã số vùng trồng sầu riêng, thanh long, chuối… đều là những loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Đến nay, cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu vào các sản phẩm xuất khẩu chính như xoài, thanh long, nhãn, lúa, sầu riêng. Thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Newzealand và Australia là những thị trường có số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nhiều nhất. Đặc biệt, đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Thống kê từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 7 tháng đầu năm, các nước nhập khẩu nông sản của Việt Nam đã phát hiện và cảnh báo 370 lô hàng (chuối, xoài, thanh long, mít, sầu riêng…) ở 13 tỉnh, thành phố khu vực phía nam có vi phạm về kiểm dịch thực vật. Trong đó, chủ yếu là thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về nhiều lô hàng sầu riêng, thanh long, chuối… xuất khẩu bị phát hiện có vi sinh vật gây hại là đối tượng kiểm dịch của Trung Quốc.
Ông Hoàng Trung cho hay, trong bối cảnh hiện nay, sức hấp dẫn của các mặt hàng nông sản Việt Nam đối với nhiều thị trường trên thếiêng, chuối,… bị tạm dừng xuất khẩu, Bộ Nôn giới ngày càng tăng. Yêu cầu đặt ra là phải duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh việc đảm bảo đủ sản lượng cung ứng, thì vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh sản phẩm là yếu tố then chốt. Vì vậy, tình trạng không tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh nông sản có nguồn gốc thực vật khi xuất khẩu trong thời gian gần đây đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam.
Thêm vào đó, xu hướng gia tăng bảo hộ sản xuất nông nghiệp đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trong những năm gần đây, dẫn đến các nước nâng cao rào cản kỹ thuật; các quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu và an toàn thực phẩm ngày càng trở nên khắt khe.
Các quốc gia có lợi thế về xuất khẩu nông sản như Thái Lan và một số quốc gia Nam Mỹ… cũng đang tích cực thay đổi, cải tiến hệ thống sản xuất nông nghiệp để mở rộng thị phần sang các thị trường tiềm năng. Những điều này đang thúc ép chúng ta phải thay đổi, nếu không sẽ tụt hậu và mất thị trường xuất khẩu.