Theo Giáo sư Riccardo Polosa, việc cấm hoàn toàn thuốc lá là khó khả thi, thay vào đó nên cân nhắc các giải pháp giảm tác hại bằng những sản phẩm ít có hại hơn để thay thế thuốc lá điếu.
Giáo sư Riccardo Polosa.
Thực tế cho thấy, tương tự việc cai thuốc, những nỗ lực để loại bỏ hoàn toàn những sản phẩm chứa nicotine gần như là điều bất khả thi, do vậy, nhiều chuyên gia quốc tế đã kêu gọi các nước cân nhắc nhìn nhận những ảnh hưởng tích cực của biện pháp giảm tác hại bằng những sản phẩm thay thế thuốc lá điếu với hiệu quả đã được chứng minh tại nhiều nước như Nhật Bản, Anh, New Zealand…
Mới đây, nhân chuyến công tác đến Việt Nam, ông Riccardo Polosa, Giáo sư Khoa Nội Đại học Catania (Italy), chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực hô hấp, người sáng lập Trung tâm Xuất sắc về Chiến lược Giảm thiểu Tác hại (Centre of Excellence for the Acceleration of Harm Reduction – CoEHAR) đã chia sẻ với một số phóng viên Việt Nam về những kết quả nghiên cứu khoa học xoay quanh biện pháp giảm thiểu tác hại thuốc lá bằng những sản phẩm thay thế ít tác hại hơn.
– Thưa ông, các giải pháp giảm tác hại thay thế thuốc lá điếu như thuốc lá mới đã phổ biến từ lâu trên thị trường, được nhiều nước đưa vào quản lý dưới luật kiểm soát thuốc lá hiện hành. Từ góc độ khoa học, xin ông đưa ra những chia sẻ cụ thể về ảnh hưởng, tác động của các sản phẩm này.
Giáo sư Riccardo Polosa: Mỹ đã thực hiện một nghiên cứu trên 5.000 người hút thuốc chuyển sang dùng các sản phẩm thuốc lá mới trong 5 năm (từ năm 1991-1996). Đây có thể xem là nghiên cứu lớn nhất và lâu nhất từ trước đến nay trên đối tượng người hút thuốc.
Kết quả cho thấy sau năm đầu tiên, những người hút thuốc mắc bệnh ho mạn tính đã cải thiện 20% tình trạng sức khỏe, và con số này liên tục tăng dần trong 4 năm còn lại của nghiên cứu.
Gần đây nhất, một nghiên cứu được thực hiện trong 3 tháng với quy mô 220 người so sánh sản phẩm không khói với thuốc lá điếu cho thấy, những người dùng thuốc lá làm nóng có tiềm năng đạt tỷ lệ cai thuốc thành công gần 40%, đồng thời làm giảm đến 88% các cái triệu chứng có hại cho phổi.
Chưa kể việc chuyển đổi này còn giúp bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) giảm được khoảng 40% các cơn khởi phát liên quan đến hô hấp, giảm tỷ nhập viện, nhờ vậy giảm đi gánh nặng kinh tế cho người bệnh và xã hội.
Dữ liệu khoa học đã ghi nhận độc tính của các sản phẩm thuốc lá mới thấp hơn từ 90-99% so với thuốc lá điếu. Song, tôi hoàn toàn không khuyến khích tất cả mọi người chuyển sang dùng sản phẩm này.
Đây chỉ là giải pháp cho những người không thể hoặc chưa thể cai thuốc lá điếu và cần đưa vào kiểm soát nghiêm ngặt. Với người hút thuốc, việc đầu tiên cần làm luôn là phải cai hẳn thuốc lá, như một chuẩn mực.
– Hiện nay, việc hợp pháp hóa các sản phẩm thuốc lá mới để bổ sung thêm giải pháp giảm tác hại thuốc lá đã được phổ biến như thế nào trên toàn cầu, thưa ông?
Giáo sư Riccardo Polosa: Thuốc lá mới hiện đang phổ biến ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand… Mỗi quốc gia và khu vực sẽ có các quy định khác nhau.
Đơn cử, một số chỉ thị quản lý thuốc lá nói chung tại Liên minh châu Âu bao gồm cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi, cấm quảng cáo mọi loại thuốc lá, kiểm soát lượng nicotine chứa trong một điếu thuốc lá dưới mức 20mg…
Riêng Italy thì kiểm soát thuốc là làm nóng bằng luật quản lý thuốc lá điếu hiện hành. Tuy nhiên, do thuốc lá làm nóng gần như không chứa nhựa tar (nhựa hắc ín tạo ra từ quá trình đốt cháy điếu thuốc), nên phần thuế đánh vào mức độ độc hại được giảm. Vì thế, thuế của sản phẩm này thấp hơn rất nhiều so với thuế dành cho thuốc lá điếu thông thường.
Về quan ngại giới trẻ sử dụng thuốc lá mới, ở Mỹ, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và thành công trong việc giới hạn giới trẻ tiếp cận sản phẩm này.
– Vậy tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá điếu giảm như thế nào, thưa ông?
Giáo sư Riccardo Polosa: Dữ liệu từ Mỹ cho thấy tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá điếu trong giới trẻ giảm từ 10% xuống còn chỉ 0,2% trong giai đoạn từ năm 2012-2021. Nước Mỹ gọi đây là “một thắng lợi về y tế công cộng” bởi họ đã cố gắng loại bỏ thuốc lá điếu trong hơn 40 năm mà không thành công.
Nhưng với sự ra đời của thuốc lá mới, nỗ lực đó đã gần thành hiện thực. Với tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở giới trẻ dưới 5%, trong tương lai 10-20 năm nữa, Mỹ có thể sẽ có một thế hệ hoàn toàn không hút thuốc lá điếu. Từ đó, tỷ lệ mắc các bệnh liên quan khói thuốc như bệnh về phổi, tim mạch lẫn gánh nặng y tế từ các bệnh sẽ giảm đi một cách đáng kể.
Bên cạnh đó, hiện nay Anh quốc cũng đạt được tình hình là giới trẻ không hút thuốc lá điếu đốt cháy nữa.
– Vấn đề kiểm soát thuốc lá mới đang chưa được thống nhất tại một số quốc gia, bởi sự khác biệt trong quan điểm. Tại Việt Nam, hiện vẫn tồn tại 2 luồng quan điểm là nên cấm hay nên quản lý một số loại thuốc lá mới đã thông qua kiểm định khoa học. Ông nhìn nhận như thế nào về các quan điểm này?
Giáo sư Riccardo Polosa: Thực tế đã có minh chứng việc cấm hoàn toàn thuốc lá mới là một thất bại.
Ví dụ trước đây, chính quyền hai thành phố San Francisco và Califonia (Mỹ) đã từng đưa ra quyết định cấm này với tuyên bố sẽ trở thành một “thành phố không khói.” Tuy nhiên, sau lệnh cấm, tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở hai khu vực này đã tăng đột biến, không thể kiểm soát.
Như vậy, cấm không phải là biện pháp hiệu quả bởi sẽ luôn làm gia tăng tình trạng buôn lậu, phạm tội… Do đó, giảm tác hại bằng những sản phẩm ít tác hại hơn để thay thế thuốc lá điếu là một biện pháp đáng cân nhắc.
Nếu đã không thay đổi được thực tế (tức không thể cai thuốc – PV) thì giữa những cái xấu chúng ta nên chọn cái ít xấu nhất, và đồng thời đem sản phẩm không có lợi cho sức khỏe đó vào cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Việc buông lỏng quản lý sẽ làm tăng gấp đôi nguy hại từ các luồng hàng chợ đen.
– Xin cảm ơn những chia sẻ hữu ích từ Giáo sư Riccardo Polosa./.