Dầu cắt giảm đà tăng sau khi số liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của nước này trong tuần trước tăng 10,2 triệu thùng lên 424,2 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 500.000 thùng.
Một cơ sở dự trữ dầu thô ở Oklahoma, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giá dầu thế giới đã đảo ngược đà tăng vào đầu phiên 12/10, kết thúc một phiên giao dịch đầy biến động với diễn biến trái chiều, giữa bối cảnh báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh làm lu mờ kỳ vọng rằng lãi suất của Mỹ đã đạt đỉnh.
Cụ thể, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 18 xu Mỹ, lên 86 USD/thùng. Trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ lại giảm 58 xu Mỹ, xuống 82,91 USD/thùng. Giá cả hai mặt hàng dầu này đều tăng hơn 1 USD/thùng vào đầu phiên.
Dầu cắt giảm đà tăng sau khi số liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của nước này trong tuần trước tăng 10,2 triệu thùng lên 424,2 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 500.000 thùng từ các nhà phân tích.
Ngoài ra, số liệu còn cho thấy sản lượng dầu thô của Mỹ cũng chạm kỷ lục 13,2 triệu thùng/ngày trong tuần qua.
Góp phần hỗ trợ giá dầu vào đầu phiên là việc chứng khoán thế giới khởi sắc, cũng như đồng USD và lợi suất trái phiếu ít thay đổi trước khi đón nhận số liệu lạm phát của Mỹ và biên bản họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Các dữ liệu này dự kiến sẽ làm gia tăng tranh luận về đường hướng của lãi suất.
Số liệu ngày 12/10 cho thấy lạm phát của Mỹ đang chậm lại, qua đó tiếp tục hỗ trợ kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đóng băng việc nâng lãi suất vào tháng tới. Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết, lợi suất trái phiếu thấp hơn của Mỹ đang gia tăng nhu cầu tìm tới các tài sản rủi ro, từ đó hỗ trợ thị trường chứng khoán và dầu.
Ngoài ra, ông còn cho biết thêm: “Cả Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia- Hoàng tử Abdulaziz và Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đều khẳng định sự hợp tác hiện tại giữa hai bên nhằm cân bằng thị trường dầu đang phát huy tác dụng.”
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu 2024 do các điều kiện kinh tế khắc nghiệt hơn trên toàn cầu và những tiến bộ về hiệu quả năng lượng sẽ ảnh hưởng đến mức tiêu thụ.
Cụ thể, IEA đưa ra dự báo tăng trưởng nhu cầu 2024 ở mức 880.000 thùng/ngày, thấp hơn dự báo trước đó của cơ quan này ở mức 1 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, IEA nâng dự báo nhu cầu 2023 từ 2,2 triệu thùng/ngày lên 2,3 triệu thùng/ngày.
Ngược lại, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu tăng trưởng tương đối mạnh vào năm tới, dự kiến đạt 2,25 triệu thùng/ngày./.