Ứng dụng AI trong giáo dục: Khi tiềm năng vượt lên nỗi e ngại

Có những người tin rằng cần học cách tích hợp AI trong môi trường giáo dục để tận dụng những ưu điểm của công nghệ này.

Trong mọi lĩnh vực, trí tuệ nhân tạo(AI) đã dần trở thành một chủ đề thảo luận quan trọng khó có thể lảng tránh. Đặc biệt, sau tuyên bố của Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại Tuần lễ Công nghệ London hồi tháng Sáu rằng AI có thể được sử dụng để tăng cường trải nghiệm học tập cá nhân hóa cho học sinh, công chúng giờ đây đã bắt đầu chú ý đến tiềm năng của AI trong giáo dục.

Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm thấy hứng thú với việc sử dụng AI trong các lớp học. Trên thực tế, cộng đồng những người quan tâm đến AI đang bị chia rẽ về vấn đề này. Một mặt, có những ý kiến không chắc chắn về AI. Mặt khác, lại có những người tin rằng cần học cách tích hợp AI trong môi trường giáo dục để tận dụng những ưu điểm của công nghệ này.

Một số nhân vật có tầm quan trọng đối với công chúng – tỷ phú Elon Musk, “cha đẻ AI” Geoffrey Hinton – đều đã lên tiếng thể thiện thái độ lo lắng nhất định về tốc độ phát triển hiện tại của AI. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các chuyên gia giáo dục vốn không tiếp xúc nhiều với công nghệ cảm thấy bất an. Tuy nhiên, rõ ràng là thế giới không thể bỏ qua sự phát triển của công nghệ này và phải bắt đầu tìm cách sử dụng nó để tạo lợi thế cho con người.

Một thực tế quan trọng mà nhiều người vẫn chưa xem xét là AI vốn đã tồn tại từ trước và đã rất phổ biến trong xã hội của con người. Các công cụ như ChatGPT đã thu hút rất nhiều sự chú ý trong năm qua vì tính mới mẻ của chúng. Tuy nhiên, như được nhấn mạnh trong một báo cáo của công ty tư vấn RM Financial, nhiều người bày tỏ sự sợ hãi về công nghệ này vốn đã sử dụng nó trong nhiều năm qua. Ví dụ, Google đã sử dụng máy học – machine learning (một dạng cơ bản của AI) trong một thời gian dài cho các ứng dụng của mình như công cụ tìm kiếm Google Search hay nền tảng chia sẻ video Youtube.

Việc phân biệt giữa những thông tin thực tế và hư cấu về AI cũng rất quan trọng. Những ý tưởng rằng robot được tích hợp AI rồi sẽ có thể thay thế giáo viên trong lớp học đơn giản là không có khả năng xảy ra. Và chắc chắn điều đó không hề được những người cả trong lẫn ngoài công đồng giáo viên giảng dạy mong muốn.

Tuy nhiên, công chúng cần thoát khỏi những tâm lý e ngại và những luận điệu tiêu cực bị thổi phồng hiện tại để bắt đầu xem xét một cách khách quan khả năng ứng dụng AI trong lĩnh vực giáo dục. Khi đó, những cơ hội mà AI có thể mang lại cho giáo viên cùng môi trường giáo dục sẽ trở nên rõ ràng hơn.

Lợi ích thực sự của AI nằm ở cách nó có thể hỗ trợ giáo viên thực hiện các nhiệm vụ hành chính và những công việc mang tính lặp đi lặp lại. Ngoài công việc giảng dạy trên trường lớp, giáo viên còn cần phải thực hiện nhiều tác vụ lặp lại như chấm bài, thống kê điểm, làm giáo án…

Một trong những hoạt động chính mà AI có thể hỗ trợ thực sự hiệu quả là chấm điểm cho học sinh. Với đa số giáo viên, đây là nhiệm vụ lặp đi lặp lại khiến họ tiêu tốn nhiều thời gian và công sức chỉ xếp sau việc giảng dạy.

Các công cụ được AI hỗ trợ – chẳng hạn như ChatGPT – có thể trở thành những trợ lý đắc lực cho giáo viên. Chúng có thể thực hiện các nhiệm vụ cơ bản, dễ hiểu cực kỳ tốt với tốc độ nhanh. Việc để AI phụ trách hoạt động chấm điểm sẽ dễ dàng thực hiện hơn trong các môn như toán học hay vật lý, nơi đáp án thường khách quan và dễ xác định hơn so với các môn học như ngữ văn. Dù ít nhiều, việc để AI phụ trách chấm điểm vẫn giúp giáo viên tiết kiệm giờ làm việc và dành thêm thời gian nâng cao chất lượng giảng dạy, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và sát sao theo dõi tiến trình học tập của từng học sinh.
Thậm chí, AI có thể tiến thêm một bước nữa và giúp giáo viên cá nhân hóa trải nghiệm học tập cho học sinh. Điều này tương tự như tầm nhìn mà Thủ tướng Sunak chia sẻ tại Tuần lễ Công nghệ London.

Khác với giáo viên, AI có thể hoạt động liên tục 24/7 để giải đáp thắc mắc, góp ý và chỉnh sửa bài tập cho học sinh. Bằng cách xem xét những phong cách và khả năng học tập khác nhau của mỗi học sinh, AI có thể sử dụng dữ liệu của từng em để xây dựng các giáo án, tài liệu hỗ trợ tùy chỉnh cho mỗi người. Điều này đặc biệt hữu ích ở giai đoạn nước rút trước mỗi kỳ thi.
Điểm quan trọng nhất cần chú ý ở đây là giáo viên sẽ vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng.

Nhiều quốc gia đã bắt đầu chú ý đến việc ứng dụng AI để chuyển đổi ngành giáo dục như Singapore (Xin-ga-po), Hàn Quốc, Ấn Độ, Phần Lan và Trung Quốc. Singapore đã xây dựng chiến lược “Quốc gia thông minh” nhằm tận dụng AI để tùy chỉnh và cải thiện chất lượng giáo dục cho mọi học sinh. Hàn Quốc đã giới thiệu các hệ thống dựa trên AI để điều chỉnh bài tập về nhà dựa trên trình độ học vấn của học sinh. Ở Ấn Độ, công ty công nghệ giáo dục Embibe sử dụng AI để giải thích các khái niệm khoa học và toán học phức tạp. Ở Phần Lan, AI được tích hợp vào hệ thống giáo dục thông qua các khóa học trực tuyến miễn phí và các nền tảng phản hồi ngay lập tức như ViLLE. Tại Trung Quốc, chính phủ đang hỗ trợ phát triển các nền tảng dạy kèm tập trung vào việc cải thiện hiệu suất cho các bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa.

Các quốc gia cũng đang đầu tư vào các chương trình đào tạo giáo viên và phát triển chương trình giảng dạy về AI. Hàn Quốc đặt mục tiêu đưa các môn học về AI vào chương trình giảng dạy quốc gia, bắt đầu từ bậc trung học. Dự án AI trong học tập của Phần Lan tập trung vào việc thúc đẩy công bằng và chất lượng trong giáo dục thông qua việc sử dụng AI một cách có đạo đức.

Nhìn lại quá trình ra đời, phát triển của công nghệ và Internet, mỗi giai đoạn đột phá ban đầu đều phải đối mặt với những phản ứng hoài nghi và e ngại của công chúng. Tâm lý đối với sự phát triển vũ bão hiện tại của AI dường như không có gì khác biệt.

Ngày nay, mọi trẻ em đều có quyền truy cập và sử dụng Internet để học tập. Môi trường không gian mạng rộng lớn cùng nguồn kiến thức dường như vô tận khiến Internet trở thành một trong những công cụ giáo dục hữu ích nhất từng được tạo ra bởi con người. Trong một thập kỷ nữa, người ta hoàn toàn có thể nói điều tương tự về AI./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top