Gắn bó với nghề 18 năm, giáo viên mỹ thuật Trí Hạnh luôn có cảm hứng mỗi khi dùng phấn màu vẽ trên bảng đen. Với học sinh trong trường, anh không chỉ là một người thầy mà còn là người cha hết mực yêu thương các em.
Nguồn cảm hứng từ những điều bình dị
Mạng xã hội chia sẻ những tác phẩm nghệ thuật do một thầy giáo vẽ trên bảng đen khiến nhiều người thích thú. Chủ nhân của những tác phẩm này là thầy Nguyễn Trí Hạnh (40 tuổi, giáo viên mỹ thuật trường PT Hermann Gmeiner Vinh (Nghệ An).
Chia sẻ với Thanh Niên, thầy Hạnh cho biết ngoài làm giáo viên dạy môn vẽ, anh còn đảm nhận công tác giữ an ninh tại trường. Trường có 3 cấp học (cấp 1, cấp 2 và cấp 3) và anh dạy từ lớp 1 đến lớp 9.
Anh Hạnh chia sẻ, niềm đam mê vẽ bảng của anh mới có cách đây ít năm, xuất phát từ những cuộc họp mặt và hội lớp anh tham dự. Bảng và phấn màu là những thứ quen thuộc với người giáo viên. Anh tự mày mò, nghiên cứu để sáng tạo ra những nét vẽ sống động trên bảng.
Theo đó, thời gian vẽ mỗi tác phẩm khác nhau, lúc nhanh chỉ 1 tiếng còn không thì đến… 3 ngày.
“Vẽ trên bảng sẽ khó hơn vẽ trên giấy và cần phải có những kỹ năng khác biệt. Hồi trước tôi học chuyên ngành sáng tác với ý định sau sẽ thành họa sĩ. Tuy nhiên, theo thời cuộc, nghề chọn người nên tôi rẽ hướng chuyển sang con đường sư phạm”, thầy Hạnh tâm sự.
Lan tỏa niềm đam mê
Thầy giáo cho hay, với mỗi tác phẩm bản thân đều muốn lan tỏa đam mê với học sinh và mọi người. Với chương trình giáo dục phổ thông mới, môn mỹ thuật là môn tự chọn nên các em có đam mê sẽ có điều kiện phát triển kỹ năng toàn diện.
Trường PT Hermann Gmeiner Vinh thuộc tổ chức làng Trẻ em SOS quốc tế, giảng dạy chương trình phổ thông cho các em học sinh vùng phụ cận và các em làng trẻ SOS Nghệ An. Dù trước đây có nhiều nơi đưa ra lời mời giảng dạy, nhưng anh Hạnh vẫn quyết định ở lại vì đam mê và tình thương cho học sinh ở đây.
“Tôi được dạy những em học sinh có những hoàn cảnh đặc biệt nên tình cảm dành cho các em đong đầy. Không chỉ là một người thầy mà còn có tình thương như cha mẹ vì có những học sinh bị bỏ rơi từ khi đỏ hỏn. Tôi muốn dạy cho các em những kỹ năng vì các em có nhiều thiệt thòi”, anh chia sẻ.
Với anh Hạnh, nhìn thấy học sinh ra trường, trưởng thành và có những bước đi vững chắc trên con đường mà các em chọn là một điều tự hào. Anh cũng rất vui khi được ban giám hiệu nhà trường, đồng nghiệp tạo điều kiện để phát huy hết khả năng trong chuyên môn của mình.
“Tôi có rất nhiều kỷ niệm về nhà trường, về học sinh. Nhưng câu chuyện tôi nhớ nhất là có lần tôi đang ngồi ăn sáng, thấy một em học sinh mồ côi đi đổ rác. Thấy em chưa ăn sáng, tôi mua cho gói xôi, cốc sữa chua đánh đá, em ngồi ăn cùng tôi. Bẵng đi một thời gian, em ấy ra trường và gặp lại tôi trong bộ quân phục bộ đội. Dù tôi không nhớ nhưng em ấy đã nhắc lại kỷ niệm đó và nói: em chưa bao giờ ăn một gói xôi mang tình người như thế. Tôi vừa vui, vừa mừng khi gặp lại và thấy em đã thành công”, thầy bộc bạch.