Hành trình làm “chị đỡ đầu” cho các em nhỏ mồ côi của nhà báo Trần Toản

Hàng chục tỉnh thành Quỹ Vạn dặm thương yêu đi qua luôn có sự đồng hành của một nhà báo thân thuộc – nhà báo Trần Toản. Với vai trò là Giám đốc Quỹ chị cùng mọi người đã mang các dự án thương yêu đến với các em nhỏ mồ côi trên cả nước.

Trong hành trình thiện nguyện nhiều khó khăn nhưng cũng nhiều giọt nước mắt hạnh phúc ấy nhà báo Trần Toản luôn trọn vẹn và nhiệt huyết. Nhóm phóng viên có cuộc trao đổi về hành trình Vạn dặm thương yêu cùng đại diện Quỹ.

Nhà báo Trần Toản – Giám đốc Quỹ Vạn dặm thương yêu

Phóng viên: Được biết, trước khi chính thức trở thành Giám đốc Quỹ từ thiện Vạn dặm Thương yêu chị đã tham gia rất nhiều hoạt động thiện nguyện, vậy  điều gì đã khiến chị luôn dành tâm huyết cho những dự án thiện nguyện đó?

NB Trần Toản: Chắc có lẽ, hành trình làm thiện nguyện của mình được bắt đầu từ những nhân duyên khi làm phóng viên tại Thông tấn xã Việt Nam. Khi đó, mình có cơ hội đi đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, những số phận kém may mắn… Sau khi những phóng sự được phát sóng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, đồng cảm, giúp đỡ từ độc giả, các mạnh thường quân, các cơ quan đoàn thể,… Nhận được tình thương yêu từ cộng đồng cuộc sống của họ tốt lên rất nhiều, tuy bé nhỏ nhưng bọn mình cảm nhận được ý nghĩa của những nghĩa cử cao đẹp, sự tử tế giữa người với người… Ví dụ như khi làm về chuỗi phóng sự Hãy cứu lấy những bệnh nhân khô da sắc tố ở Mường Chiềng ngành y tế đã quan tâm nhiều hơn đến những người bị bệnh hiếm gặp này, người dân hiểu được căn nguyên bệnh và không kỳ thị những gia đình có người thân mắc bệnh. Hay chương trình Ốc đảo Đồng Mậm ở Sơn Hải, Lục Ngạn, Bắc Giang các em nhỏ đã có thuyền máy để đến trường, Đồng Mậm đã có đường, có điện …v.v….

Từ những năm 2010 đến nay cứ dần dần từng chút một, cùng với anh em, bạn bè, đồng nghiệp mỗi khi có cơ hội chúng mình lại cùng nhau kêu gọi cho những mảnh đời cần giúp đỡ. Đến năm 2021, Quỹ Vạn dặm thương yêu chính thức ra đời với sự bảo trợ của Viện Ứng dụng Công nghệ AI và Thương mại Số, mục tiêu của Quỹ là hướng tới các em nhỏ mồ côi học giỏi, chúng tôi đồng hành, tiếp sức để các em tiếp tục đến trường

Phóng viên: Tại sao quỹ Vạn dặm thương yêu lại hướng tới các em nhỏ mồ côi mà không phải các hoàn cảnh khác thưa chị?

NB Trần Toản: Thực ra mọi sự giúp đỡ với những hoàn cảnh khó khăn đều đáng trân quý, trong xã hội cũng có nhiều người cần giúp đỡ. Nhưng chúng tôi luôn trăn trở về những em nhỏ, vì các con thuộc nhóm người yếu thế vốn như những cây non yếu ớt, chưa thể tự nuôi sống bản thân mình. Trên đường đời và đường học vấn các con thiếu đi sự dìu dắt, thiếu bàn tay chăm sóc của đấng sinh thành là một thiếu thốn và thiệt thòi rất lớn với các em. Nhiều em vì hoàn cảnh không còn tiếp tục được đến trường.

Cũng trong quá trình làm việc tại Thông tấn xã Việt Nam mình có cơ hội làm việc, hợp tác cùng với Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ, trực tiếp gặp gỡ nhiều gia đình khách hàng qua những vụ chi trả quyền lợi bảo hiểm. Cuộc sống hiện đại, các gia đình đối diện với nhiều rủi ro, những bất ngờ có thể đến với bất cứ ai, bất cứ lúc nào. Chứng kiến những người trụ cột trong gia đình ra đi để lại cho con thơ những giá trị tài sản nhất định từ những hợp đồng bảo hiểm, tuy các con vẫn thiệt thòi, thiếu thốn tình cảm những sẽ bớt vất vả hơn. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng người tham gia bảo hiểm nhân thọ rất khiêm tốn, thậm chí nhiều người khi không may gặp biến cố trong cuộc sống còn để lại gánh nặng tài chính cho gia đình, mình luôn trăn trở vì điều đó. Mình muốn chia sẻ câu chuyện rất đời thường xung quanh chúng ta. Đó là lý lo Trần Toản ấp ủ dự án từ thiện, cùng với mọi người mang đến cho các em nhỏ không may mắn mồ côi cha, mẹ những quan tâm nho nhỏ, động viên và sẻ chia với các em về vật chất và tinh thần.

May mắn nhận được sự thương yêu và ủng hộ của quý vị khán giả, đến nay Quỹ Vạn dặm thương yêu đã chia sẻ và lan tỏa tới được các em nhỏ ở nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Tây Ninh, Sơn Tây, Hưng Yên, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Nghệ An, Bắc Giang, Đà Nẵng, Kiên Giang và một số điểm trường, bệnh viện. Trần Toản rất biết ơn và trân quý sự đồng hành của tất cả mọi người.

Phóng viên: Nhưng rõ ràng làm thiện nguyện ngoài nhiệt huyết cũng cần lòng dũng cảm vì thực tế đã có nhiều dị nghị, nghi ngờ những người làm từ thiện để trục lợi. Chị phải vượt qua bằng cách nào?

NB Trần Toản: Chúng tôi cũng biết nhắc đến hoạt động thiện nguyện có nhiều người e ngại, đâu đó cũng là một vấn đề nhạy cảm.

Nếu bạn hỏi mình có áp lực không? Thì câu trả lời chắc chắn là có. Không thể không có áp lực! Vì bản thân mình cũng chưa phải là người có điều kiện để dành toàn tâm toàn ý cho công việc từ thiện, mình vẫn phải đảm nhận những công việc khác. Quỹ Vạn dặm thương yêu không trích lại chi phí hoạt động nên mình và anh chị em trong ekip, các Đại sứ Vạn dặm đều làm việc hoàn toàn tự nguyện, không nhận thù lao. Vì vậy, việc minh bạch của Quỹ thì không có áp lực, nhưng trách nhiệm của người đứng đầu mình phải trọn vẹn, phải cân đối các công việc để dành cho Vạn dặm thương yêu một khoảng thời gian nhất định. Đặc biệt phải sẵn sàng trả lời rất nhiều câu hỏi của mọi người, những nghi ngại (cười), mình vui vì được hỏi và trả lời mọi vấn đề xung quanh hoạt động của Quỹ.

May mắn của Vặn dặm thương yêu là Viện Ứng dụng Công nghệ & Thương mại số đã đồng hành, bảo trợ, tài trợ truyền thông và hoạt động nên 100% số tiền kêu gọi quyên góp từ các mạnh thường quân sẽ được chuyển tới cho mã số. Áp lực tài chính mình không phải đối diện đã là may mắn rồi.

Phóng viên: Chị Trần Toản nghĩ như thế nào nếu các mã số trong chương trình gọi chị với danh xưng là “mẹ đỡ đầu”?

NB Trần Toản: Trần Toản không dám nhận danh xưng này, chỉ muốn các em gọi mình là “chị Trần Toản” thôi.

Trần Toản muốn được là chị của các em, giống như cách mà những người chị đồng hành cùng các Đại sứ Vạn dặm và mọi người quan tâm giúp đỡ các em để trưởng thành hơn trong cuộc sống.

Hơn nữa, khát khao lớn nhất của mình là các em nhỏ trong Vạn dặm thương yêu sẽ gặp được cha, mẹ đỡ đầu qua các Phiên Bảo trợ mà Quỹ sẽ thực hiện trong thời gian tới. Mong các em có một mái ấm để được lớn lên trong tình yêu thương ấm áp của cha mẹ đỡ đầu.

Phóng viên: Trong hành trình vạn dặm của mình, chị Trần Toản có câu chuyện đặc biệt nào đã làm chị lưu luyến hay nhớ mãi không?

NB Trần Toản: Mỗi mã số của Vạn dặm thương yêu đều để lại cho Trần Toản, các Đại sứ Vạn dặm và Ekip một cảm xúc đặc biệt, những lưu luyến khó tả. Mỗi mã số có hoàn cảnh khác nhau và đằng sau những câu chuyện là một phận đời thương khó của các em nhỏ.

Gần đây nhất trong chuyến đi đến điểm trường THPT Mai Sơn, huyện Lục Yên, Yên Bái, Trần Toản thực sự khâm phục về nghị lực của cậu bé Vi Văn Cảnh, học sinh lớp 10 người đồng bào dân tộc Tày, em không may bị mắc Hội chứng Lùn, em chỉ cao 90cm, không thể tự đi học nhưng em chưa từng nghỉ một buổi học nào.

Nhà báo Trần Toản đến thăm em Vi Văn Cảnh

Nói thật, khi mình đến đó mình cảm nhận được sự khó khăn của em hơn so với tất cả những mã số khác. Ở trong một đứa trẻ thân hình nhỏ bé lại mồ côi mẹ đó là một sự tủi hờn rất lớn. (khóc) Nhìn em leo lên những bậc cầu thang cao hơn cả người, từng bước, từng bước mình rất khâm phục và thương em. Sau khi chương trình được phát sóng, em Cảnh nhận được rất nhiều tình thương yêu từ mọi người, em có thêm dụng cụ học tập, ước mơ có một cái máy tính để tìm hiểu về nghề CNTT của em cũng được Viện Ứng dụng Công nghệ AI và Thương Mại số tặng, 2 bố con có một khoản tiền để lo cho em học hành và cải thiện đời sống.

Đọc bức thư tay em viết gửi tới Vạn dặm thương yêu mình rất xúc động. Mình rất kỳ vọng rằng là em sẽ trở thành một trong những cậu kỹ sư CNTT tương lai. (cười)

Phóng viên: Chị có lời khuyên hoặc sợi dây kinh nghiệm nào dành cho những bạn trẻ đã và đang muốn bắt đầu một hành trình như mình? 

NB Trần Toản: Đầu tiên phải nói rằng là mình thật sự rất nể, khâm phục các bạn trẻ và tất cả những người mà có tấm lòng nhân hậu trong cuộc sống. Mình mong các bạn tiếp tục giữ ngọn lửa đó, giữ cái niềm đam mê nhiệt huyết và luôn mang sự sẻ chia thương yêu đến với mọi người.

Tuy nhiên, làm từ thiện có những nhạy cảm hãy cân nhắc làm sao để không bị “tác dụng ngược trở lại”. Ví dụ khi chưa được ủng hộ thì các em có thể là những đứa trẻ rất là ngoan, học giỏi và không ham hư vinh nhưng khi có tiền mà không có sự kiểm soát sẽ ảnh hưởng tới các em. Vậy thì từ thiện như thế nào, từ thiện cho ai, cho bao nhiêu thì mình cần phải tính đến. Đặc biệt điều rất nhạy cảm trong từ thiện là tiền bạc, nên cần phải công khai minh bạch.

Ví dụ như mã số Đăng – Khôi của Vạn dặm thương yêu ở Tây Ninh, 2 em mất cả cha lẫn mẹ, ông Nội ngoài 80 tuổi, để tiền ở trong nhà sẽ nguy hiểm cho các em, thế thì mình phải làm như thế nào? Vạn dặm thương yêu đã phải xin kết hợp với Tỉnh đoàn Tây Ninh và có những ràng buộc với nhau như là gửi sổ tiết kiệm, khi nào được rút, rút thì cần phải chụp sao kê, có ảnh trao cho các con hàng tháng…

Không phải chương trình nào, trường hợp nào cũng khó nhưng với những trường hợp khó thì mình mong các bạn hãy tham khảo những ý kiến của những anh chị, hoặc các team, tổ chức từ thiện  có kinh nghiệm sẽ giúp các bạn có hướng đi đúng đắn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn chị về cuộc trao đổi, chúc Vạn dặm thương yêu sẽ đến với nhiều em nhỏ mồ côi hơn nữa, tiếp tục lan tỏa những điều tốt đẹp trong cộng đồng./.

Theo: techz.vn
Spread the love
Back To Top