Theo một báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) được công bố mới đây, châu Phi đang chứng kiến sự tăng trưởng bền vững cả về số lượng hệ thống thanh toán tức thời và nhu cầu sử dụng các hệ thống này.
Ủy ban Kinh tế LHQ về châu Phi (UNECA) đã công bố báo cáo hàng năm lần thứ hai về Hệ thống thanh toán tức thời toàn diện (SIIPS) ở châu Phi.
Báo cáo cho rằng các thành tựu đạt được trong thời gian vừa qua cho thấy sự tiến bộ mạnh mẽ của châu Phi, hướng tới mục tiêu đầy tham vọng là có hệ thống thanh toán tức thì toàn diện như một phần của Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số công cộng (DPI) của châu Phi, tạo ra một hệ sinh thái kỹ thuật số liền mạch cho người dân, doanh nghiệp và chính phủ.
Báo cáo SIIPS đầu tiên được AfricaNenda đưa ra vào tháng 10/2022 để thông báo cho các bên liên quan trong khu vực công và tư nhân về sự phát triển của hệ thống thanh toán tức thời (IPS) ở châu Phi, bao gồm đánh giá về tính toàn diện của các hệ thống đó, cùng với những thông tin chi tiết về người tiêu dùng và các nghiên cứu điển hình.
Phiên bản SIIPS năm nay nhấn mạnh đến những bước phát triển của IPS, các chính sách thanh toán bán lẻ xuyên biên giới và những quy định hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực này ở châu Phi.
Theo báo cáo, ba hệ thống thanh toán tức thời mới được ra mắt ở Ethiopia, Morocco và Nam Phi trong 12 tháng qua đã nâng tổng số hệ thống thanh toán tức thời trực tiếp trong nước và khu vực tại lục địa này lên con số 32.
Báo cáo cũng cho biết khối lượng thanh toán và tổng giá trị thanh toán được xử lý đã tăng nhanh kể từ năm 2018. Các IPS ở châu Phi đã tạo điều kiện cho gần 32 tỷ giao dịch trị giá khoảng 1.200 tỷ USD vào năm 2022.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng vẫn còn những thách thức trong việc phát triển hệ sinh thái hệ thống thanh toán tức thời toàn diện ở châu Phi. Cho đến nay, hầu hết các IPS trực tiếp đều không được xếp hạng do thiếu dữ liệu hoặc chỉ đạt đến mức độ cơ bản.
Báo cáo cho biết thêm, có 27 quốc gia vẫn chưa thiết lập hệ thống thanh toán tức thời trong nước, mặc dù 17 quốc gia đã lên kế hoạch và 3 hệ thống thanh toán cấp khu vực cũng đang được triển khai.
Báo cáo năm nay đánh giá rằng sự tiến bộ đáng kể trong việc áp dụng thanh toán kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa hiệu quả các mục tiêu của Hiệp định Thương mại Tự do Lục địa châu Phi.