21 doanh nghiệp sử dụng 96 sản phẩm của 33 nhà máy xuất khẩu đi các thị trường đã cho thấy sự uy tín của nhãn hiệu “Cao su Việt Nam” ngày càng được doanh nghiệp quan tâm và đánh giá cao theo mỗi năm.
Chế biến mủ cao su xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH Một thành viên Cao su Chư Păh, Gia Lai. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Theo thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), hiện nay, nhãn hiệu “Cao su Việt Nam” đã được đăng ký bảo hộ tại 5 thị trường: Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia. VRG có 21 doanh nghiệp được chứng nhận nhãn hiệu cao su Việt Nam.
Theo đó, 21 doanh nghiệp này sử dụng 96 sản phẩm của 33 nhà máy xuất khẩu đi các thị trường đã cho thấy sự uy tín của nhãn hiệu “Cao su Việt Nam” ngày càng được doanh nghiệp quan tâm và đánh giá cao theo mỗi năm.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam chia sẻ, trong 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cao su ước đạt khoảng 8 tỷ USD, chiếm kim ngạch cao nhất là sản phẩm cao su ước đạt gần 3,9 tỷ USD, tiếp đó cao su thiên nhiên ước đạt giá trị gần 2,5 tỷ USD và gỗ cao su với giá trị ước đạt hơn 1,8 tỷ USD.
Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên dự báo sản lượng cao su thiên nhiên thế giới trong năm 2023 dự kiến đạt 14,927 triệu tấn, tăng 2,3% so với năm 2022. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ được dự báo đạt 15, 575 triệu tấn, tăng 0,2% so với năm 2022.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Hiệp hội cao su Việt Nam cũng đã xây dựng đề án “Xây dựng và Phát triển Thương hiệu Cao su Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020 và tầm nhìn đến 2030”. Thông qua đề án này, thương hiệu, hình ảnh cao su Việt Nam được định vị, tạo sự tin cậy đối với khách hàng.