Lực lượng Houthi ở Yemen vẫn không ngừng tấn công các tàu thương mại di chuyển trên Biển Đỏ và ngày càng có nhiều công ty vận tải biển quốc tế sử dụng Mũi Hảo Vọng thay vì Kênh đào Suez.
Các chuyên gia cảnh báo tình trạng gián đoạn hoạt động hàng hải qua Kênh đào Suez do bất ổn ở eo biển Bab al-Mandab có thể khiến doanh thu của kênh đào này sụt giảm và đe dọa hoạt động thương mại toàn cầu.
Ngày 21/12, trang tin Ahram Online của Ai Cập dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế Ai Cập (EIFFA), ông Medhat El-Kady đánh giá rằng tác động từ sự bất ổn trên Biển Đỏ là rất lớn, có thể ảnh hưởng đến doanh thu của Kênh đào Suez, giữa lúc lực lượng Houthi ở Yemen vẫn không ngừng tấn công các tàu thương mại di chuyển trên Biển Đỏ và ngày càng có nhiều công ty vận tải biển quốc tế sử dụng Mũi Hảo Vọng thay vì Kênh đào Suez.
Trước đó ngày 17/12, Chủ tịch Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập, ông Osama Rabie nói rằng 55 tàu đã chuyển sang tuyến Mũi Hảo Vọng kể từ ngày 19/11.
Theo ông Rabie, con số này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ so với tổng số 2.128 tàu đã đi qua Kênh đào Suez trong giai đoạn này.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế của Ai Cập, Tiến sỹ Ihab El-Gamal khẳng định số tàu thực tế tránh đi qua Kênh đào Suez vượt quá con số được công bố. Đây có thể là điềm xấu đối với Ai Cập, quốc gia phụ thuộc nhiều vào doanh thu từ Kênh đào Suez, giữa lúc Cairo đang nỗ lực thu hẹp khoản thiếu hụt tài chính 17 tỷ USD/năm đến năm 2026. Trong tài khóa kết thúc vào cuối tháng 6/2023, doanh thu của Kênh đào Suez đạt 8,8 tỷ USD.
Chủ tịch EIFFA El-Kady cho rằng nền kinh tế Ai Cập đang mất hàng triệu USD mỗi ngày từ doanh thu của Kênh đào Suez do cuộc khủng hoảng trên Biển Đỏ vẫn chưa được giải quyết.
Chuyên gia này lưu ý tình trạng bất ổn liên quan đến Eo biển Bab al-Mandab cũng đã có những tác động toàn cầu khi ông đề cập đến sự cố tàu chở container Evergreen mắc cạn trên Kênh đào Suez hồi tháng 3/2021, khiến thương mại toàn cầu thiệt hại 10 tỷ USD.
Là tuyến đường thủy quan trọng nối liền Địa Trung Hải và Biển Đỏ, Kênh đào Suez chiếm khoảng 12% khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển của thế giới và là một trong những nguồn thu ngoại tệ chủ chốt của Ai Cập.
Chuyên gia kinh tế El-Gamal nhận xét Kênh đào Suez đóng vai trò là tuyến đường biển quan trọng đối với thương mại toàn cầu, do đó việc một số công ty vận tải biển quyết định tránh đi qua tuyến hàng hải ngắn nhất giữa châu Á và châu Âu này đã làm gián đoạn các tuyến đường đã được thiết lập, gây ra sự chậm trễ trong hoạt động giao hàng và khiến chi phí gia tăng.
Theo ông El-Gamal, tình trạng gián đoạn do bất ổn tại eo biển Bab al-Mandab gây ra có thể tác động xấu đến chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng đến sự di chuyển kịp thời của hàng hóa và tạo ra thách thức cho các doanh nghiệp.
Ông cũng cho rằng với vai trò là tuyến đường quan trọng đối với hoạt động vận chuyển dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của thế giới, tình trạng gián đoạn giao thông qua Kênh đào Suez có thể ảnh hưởng đến thị trường năng lượng toàn cầu.
Theo đánh giá của chuyên gia El-Gamal, việc thay đổi lộ trình khỏi Kênh đào Suez sẽ dẫn đến các chuyến đi dài hơn, khiến mức tiêu thụ nhiên liệu và chi phí gia tăng. Kết quả là người tiêu dùng có thể phải chịu thêm chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch COVID-19 cũng như tác động của cuộc xung đột tại Ukraine.
Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố hồi tháng 10 năm nay, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 và 2024 lần lượt là 3% và 2,9%, thấp hơn so với mức 3,5% ghi nhận trong năm 2022./.