Chuyên gia UOB: Tỷ giá ngoại tệ sẽ hạ nhiệt vào cuối năm

Các chuyên gia UOB đưa ra dự báo USD/VND sẽ tăng lên 25.600 đồng/USD trong quý 2/2024, nhưng sẽ giảm về 24.800 đồng/USD trong quý 4/2024 và tiếp tục giảm xuống 24.600 đồng/USD vào quý 1/2025.

Chuyên gia UOB nhận định tỷ giá ngoại tệ sẽ hạ nhiệt vào cuối năm. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 23/5, Ngân hàng UOB tổ chức Bàn tròn “Triển vọng thị trường và chiến lược đầu tư” tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó các chuyên gia nhận định tỷ giá USD/VND sẽ hạ nhiệt vào cuối năm.

Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên lãi suất

Tại sự kiện, ông Đinh Đức Quang – Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam đánh giá việc Fed duy trì lãi suất USD ở mức rất cao trên 5% gây áp lực mất giá lên hầu như toàn bộ các đồng tiền chính trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có VND.

Trong khi đó ông Abel Lim – Giám đốc Tư vấn và Chiến lược quản lý tài sản, Tập đoàn UOB cũng nhận định về khả năng cắt giảm lãi suất của Fed vào giữa cuối năm nay sẽ có thể giúp giảm bớt sức mạnh của đồng USD, hỗ trợ cho sự phục hồi của VND.

Dù tỷ giá được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt, song chuyên gia cũng lưu ý doanh nghiệp cần tính đến các công cụ phòng ngừa rủi ro cũng như cân nhắc các điều khoản trong hợp đồng vay ngoại tệ.

“Do lạm phát tăng cao hơn dự kiến trong năm nay, Fed đã phát tín hiệu rằng họ cần duy trì lãi suất ở mức cao lâu hơn. Việc cắt giảm lãi suất chỉ được kỳ vọng khi họ tin tưởng hơn rằng lạm phát đang chậm lại ở mức 2%. Trong bối cảnh đó, đồng USD đã mạnh lên và dẫn đến sự suy yếu của các đồng tiền châu Á, trong đó có đồng Việt Nam. Tuy nhiên, quan điểm của UOB là Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất 2 lần trong năm nay, vào tháng 9 và tháng 12. Hơn nữa, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ giữ nguyên lãi suất trong năm nay, do đó sức mạnh của đồng USD sẽ giảm bớt trong những tháng tới và VND sẽ phục hồi về mức 24.000 đồng vào cuối năm 2024,” ông Abel Lim nhấn mạnh.

Báo cáo của UOB cũng dự báo VND và cả các đồng tiền khác có khả năng tăng giá trở lại so với USD trong nửa sau 2024 khi lãi suất USD có thể được cắt giảm, trong khi lãi suất VND sẽ hầu như không có khả năng giảm thêm và sẽ tăng trở lại.

Với kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed đang giảm dần, tỷ giá USD/VND có thể sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã can thiệp vào thị trường ngoại hối trong tháng Tư và điều này có thể giúp kiểm soát biến động.

“Điều hành lãi suất VND ra sao để hài hòa với mức lãi suất USD neo cao, đi cùng đó là nhiệm vụ khác nữa như thúc đẩy tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, tỷ giá… là bài toán phức tạp. Tuy nhiên Việt Nam có một số thuận lợi từ vị thế là trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, cơ cấu sản xuất thương mại đa dạng, dân số trẻ và lực lượng lao động dồi dào là những cơ sở hỗ trợ tốt cho tăng trưởng. Ngoài những trở ngại bên ngoài trong ngắn hạn, chúng tôi kỳ vọng đồng VND sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản vững chắc và sự phục hồi tiếp theo của đồng Nhân dân tệ,” ông Đinh Đức Quang nhận định.

Vì vậy các chuyên gia UOB đưa ra dự báo USD/VND sẽ tăng lên 25.600 đồng/USD trong quý 2/2024, nhưng sẽ giảm về 24.800 đồng/USD trong quý 4/2024 và tiếp tục giảm xuống 24.600 đồng/USD vào quý 1/2025.

Ông Đinh Đức Quang – Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)

Chia sẻ về lãi suất, ông Đinh Đức Quang cho rằng mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục và khá chắc chắn là đã chạm đáy trong tổng thể đánh giá mức lợi tức kênh đầu tư ít rủi ro nhất này so với lạm phát, tỷ giá và nhu cầu vốn trong nền kinh tế. Mặc dù hoạt động kinh tế đã có sự cải thiện trong quý 1/2024, đặc biệt là sự phục hồi trong hoạt động ngoại thương, các yếu tố khác như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa, bán lẻ, đơn hàng mới vẫn cần thêm số liệu rõ ràng trong thời gian tới để khẳng định xu hướng tăng trưởng vững chắc, từ đó hỗ trợ sự tự tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư mạnh dạn tiếp cận tín dụng, mở rộng đầu tư sản xuất và tiêu dùng.

“Chúng tôi cho rằng lãi suất tiết kiệm sẽ có thể tăng 0,5%-1% trên các kỳ hạn khác nhau từ tháng Năm đến hết năm 2024,” ông Quang nhấn mạnh.

Tăng trưởng kinh tế còn nhiều thách thức

Nhận định về mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam năm 2024, các chuyên gia UOB cho rằng vẫn còn khá nhiều thách thức bên cạnh các yếu tố thuận lợi.

Các yếu tố chính củng cố cho triển vọng tích cực của Việt Nam trong năm nay là nhu cầu nội địa mạnh mẽ. Hoạt động sản xuất và xuất khẩu được thúc đẩy nhờ nhu cầu về thiết bị điện tử và điện thoại. Sự phục hồi của chu kỳ bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và châu Á, đặc biệt khả năng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trong những tháng tới cũng sẽ là những điều tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất và chế biến, phản ánh niềm tin bền vững của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh của Việt Nam. Thậm chí chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái cấu hình khi phương Tây tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Cuối cùng, đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và chuyển đổi kỹ thuật Số có thể sẽ góp phần vào tăng trưởng và khả năng cạnh tranh lâu dài của Việt Nam.

“Những điều trên tái khẳng định dự báo tăng trưởng năm 2024 của UOB cho Việt Nam là 6%,” ông Abel Lim, Giám đốc Tư vấn và chiến lược quản lý tài sản, Tập đoàn UOB cho biết.

Đồng quan điểm, ông Đinh Đức Quang cho rằng: “Hai yếu tố động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian còn lại của năm là các nền kinh tế lớn có thể cắt giảm lãi suất, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng từ đó hỗ trợ xuất khẩu và sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.”

UOB dự báo lạm phát quý 2 sẽ tiếp tục giao động trong khoảng 3,5%-4%. (Ảnh: Vietnam+)

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, chuyên gia UOB cho rằng vẫn còn nhiều thách thức hiện hữu cho nền kinh tế Việt Nam như lạm phát dai dẳng, môi trường lãi suất cao, trong khi bất ổn chiến tranh và căng thăng địa chính trị giữa các cường quốc có thể làm gián đoạn thương mại và giá cả hàng hóa toàn cầu.

Về lạm phát năm 2024, ông Đinh Đức Quang dự báo lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng tăng nhẹ trong bối cảnh các cấu phần chính trong rổ hàng hóa tính toán chỉ số giá tiêu dùng như giá nhiên liệu, lương thực thực phẩm, chi phí y yế giáo dục, tỷ giá… đang tiếp tục chịu áp lực tăng.

Các diễn biến nóng trên toàn cầu như xung đột chiến tranh, rủi ro vận tải biển, biến đổi khí hậu là các nguyên nhân chính gây áp lực lên lạm phát. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có một số cơ sở thuận lợi trong việc kiểm soát lạm phát từ cả cơ cấu tự chủ hàng hóa thiết yếu sản xuất trong nước và kinh nghiệm phối hợp các chính sách tiền tệ, tài khóa. “Chúng tôi dự báo lạm phát quý 2 sẽ tiếp tục giao động trong khoảng 3,5%-4% và lạm phát cả năm được dự báo ở mức 3,8% trong năm 2024,” ông Quang cho biết như vậy./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top