Theo hãng tin Bloomberg News, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đàm phán để trao khoản trợ cấp hơn 10 tỷ USD cho công ty sản xuất chip Intel Corp.
Biểu tượng Intel tại Santa Clara, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo báo cáo, các cuộc đàm phán đang được tiến hành và gói trợ cấp trao cho Intel có thể sẽ bao gồm cả các khoản vay và trợ cấp trực tiếp.
Bộ Thương mại Mỹ đã công bố hai khoản tài trợ nhỏ hơn theo Đạo luật CHIPS và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo hồi đầu tháng này cho biết rằng bộ đã lên kế hoạch thực hiện một số khoản trợ cấp trong vòng hai tháng sau chương trình trị giá 39 tỷ USD của chính phủ nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất chất bán dẫn.
Quỹ trợ cấp cho chất bán dẫn này nhằm hỗ trợ tài chính cho việc sản xuất chip và các khoản đầu tư vào chuỗi cung ứng liên quan, đồng thời các khoản trợ cấp sẽ giúp xây dựng các nhà máy và tăng cường sản xuất.
Intel có kế hoạch chi hàng chục tỷ USD để tài trợ cho các nhà máy sản xuất chip tại các địa điểm lâu đời ở Arizona và New Mexico, cùng với một địa điểm mới ở Ohio mà công ty ở Thung lũng Silicon cho biết có thể trở thành nhà máy sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Tuy vậy, tờ Wall Street Journal hồi đầu tháng này đã đưa tin rằng Intel đã lên kế hoạch trì hoãn việc hoàn thành cơ sở ở Ohio cho đến năm 2026 do thị trường chip chậm lại và việc triển khai quỹ liên bang chậm lại. Bộ Thương mại Mỹ, cơ quan giám sát việc giải ngân quỹ Đạo luật CHIPS, và Intel không bình luận về thông tin trên.
Trong quý IV/2023, Intel báo cáo doanh thu 15,4 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi chứng kiến bảy quý sụt giảm trước đó. Trong cả năm 2023, doanh thu của công ty sản xuất chất bán dẫn này giảm 14% so với năm 2022, xuống còn 54,2 tỷ USD.
Nhưng Intel cảnh báo rằng tăng trưởng doanh thu của công ty có thể không mạnh mẽ trong quý I/2024, do tính thời vụ đã dẫn đến nhu cầu đối với một số chip yếu hơn.
Trong quý IV/2023, công cụ tạo doanh thu lớn nhất của Intel – mảng kinh doanh nhóm máy tính khách hàng, bao gồm doanh số bán chip cho máy tính cá nhân – đã tăng 33%, ở mức 8,8 tỷ USD.
Intel Foundry Service, liên doanh sản xuất chip theo hợp đồng của Intel, đã ghi nhận mức tăng doanh thu lớn nhất trong quý IV/2023. Mặc dù liên doanh này vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu của Intel, nhưng nó báo cáo mức tăng trưởng doanh thu hàng quý là 63% so với cùng kỳ năm trước, lên 291 triệu USD.
Intel cho biết nhu cầu sản xuất chip AI đang tăng lên khi các công ty chạy đua tung ra các sản phẩm hỗ trợ AI.
Intel dự kiến sẽ chi nhiều vốn đầu tư hơn vào năm 2024 so với năm 2023, đồng thời tiếp tục xây dựng các cơ sở sản xuất chip.
Intel đã công bố hợp tác với công ty sản xuất chất bán dẫn United Microelectronics Corp. của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) để phát triển công nghệ 12 nanomet và bắt đầu sản xuất tại nhà máy Arizona của Intel vào năm 2027.
Trong khi đó, công ty viễn thông Nhật Bản NTT sẽ hợp tác với Intel trong dự án sản xuất hàng loạt chất bán dẫn thế hệ tiếp theo sử dụng công nghệ quang học giúp giảm đáng kể mức tiêu thụ điện năng.
Nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu Hàn Quốc SK Hynix dự kiến cũng sẽ tham gia vào sáng kiến này nhằm hợp tác nghiên cứu và phát triển các công nghệ chiến lược tiên tiến. Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ khoảng 45 tỷ yen (305 triệu USD) cho dự án này.
Công nghệ quang học có thể thay thế việc xử lý điện tử bằng ánh sáng nên khi được tích hợp vào chất bán dẫn có thể giảm đáng kể mức tiêu thụ điện năng. Bên cạnh đó, tốc độ xử lý bằng tín hiệu quang cũng nhanh hơn xử lý bằng tín hiệu điện. Công nghệ này được coi là yếu tố thay đổi “cuộc chơi” trong ngành khi cuộc đua thu nhỏ chất bán dẫn đang tiến đến những hạn chế về mặt vật lý.