TP Hồ Chí Minh: Hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã vào quý 3

Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu chủ động, linh hoạt, hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã vào quý 3/2024 để đầu năm 2025, tập trung cho Đại hội Đảng bộ cấp xã.

Phải xem xét toàn diện, căn cứ vào thực tiễn và các yếu tố tác động có liên quan, mặt thuận lợi, khó khăn, yếu tố đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh, không vì thực hiện sắp xếp mà gây xáo trộn lớn, ảnh hưởng đến đời sống người dân, sự ổn định và phát triển của Thành phố.

Đây là một trong những yêu cầu đặt ra trong Chỉ thị về lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn Thành phố trong giai đoạn 2023-2030 vừa được Ban Thường vụ Thành ủy ban hành.

Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức rõ quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, triển khai nghiêm túc, chặt chẽ theo chỉ đạo của Trung ương, của Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ thị yêu cầu Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân thành phố lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban Nhân dân thành phố xây dựng phương án tổng thể, đề án chi tiết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; lộ trình chặt chẽ, phù hợp, lấy ý kiến nhân dân về đề án; thông qua đề án theo quy định.

Trước mắt, kịp thời ban hành và chỉ đạo thực hiện kế hoạch sắp xếp cho giai đoạn 2023-2025; trong đó, yêu cầu cụ thể đánh giá kỹ các tác động, thận trọng, nghiên cứu thấu đáo về nhiều mặt để tính toán phương án, xác định rõ đối tượng, lộ trình phù hợp điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, trách nhiệm tổ chức thực hiện của cơ quan, đơn vị, địa phương; phương án sắp xếp phải được nghiên cứu, xem xét, đánh giá toàn diện, đảm bảo sự tiếp nối giữa giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030.

Việc thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn, phù hợp tình hình thực tiễn, giải pháp phải quyết liệt, kịp thời, chủ động, linh hoạt, hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã vào quý 3/2024 để đầu năm 2025 tập trung cho Đại hội Đảng bộ các cấp, nhất là cấp xã; đảm bảo ổn định đời sống, sự đồng thuận của nhân dân địa phương, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Chỉ thị cũng nêu rõ, cần sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đẩy mạnh tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; linh hoạt vận dụng thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc khối chính quyền địa phương bảo đảm quy định, phù hợp thực tiễn; bảo đảm nguồn kinh phí sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định.

Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì rà soát, đánh giá và tham mưu giải quyết tồn đọng về công tác cán bộ khối các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tại các đơn vị hành chính sau sắp xếp giai đoạn 2019-2021; chủ trì tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy thẩm định phương án tổng thể, đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; hướng dẫn công tác chuẩn bị đại hội nhiệm kỳ 2025-2030 đối với những đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp.

Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn, thẩm định đề án của Thành ủy Thủ Đức, các Quận ủy, Huyện ủy về việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và giải quyết chế độ, chính sách đối với trường hợp không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác của cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị-xã hội tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khi thực hiện sắp xếp.

Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo cơ quan truyền thông của Thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, mục đích của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng thuận, thống nhất thực hiện.

Thành ủy Thủ Đức và các Quận ủy, Huyện ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở địa phương theo quy định, hướng dẫn của Trung ương và chỉ thị, kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy, nghị quyết của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, kế hoạch của Ủy ban Nhân dân Thành phố đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc, đúng lộ trình, tiến độ đề ra.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2019-2021, Thành phố sắp xếp 3 quận là Quận 2, Quận 9 và Thủ Đức để thành lập thành phố Thủ Đức (giảm hai đơn vị hành chính cấp huyện) và sắp xếp 19 phường còn 9 phường (giảm 10 đơn vị hành chính cấp xã).

Hiện Thành phố có 22 đơn vị hành chính cấp huyện (một thành phố, 16 quận và 5 huyện) và 312 đơn vị hành chính cấp xã (249 phường, 58 xã và 5 thị trấn). Các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của Thành phố đa phần có diện tích nhỏ nhưng quy mô dân số rất lớn.

Quan điểm của Ban Chỉ đạo Cải cách Hành chính của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể cải cách hành chính; xác định đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư phát triển.

Cụ thể, Thành phố có 4/22 đơn vị hành chính cấp huyện và 31/312 đơn vị hành chính cấp xã đạt cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số; có 11/22 đơn vị hành chính cấp huyện và 217/312 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên.

Tuy nhiên, toàn thành phố có 21/22 đơn vị hành chính cấp huyện và 223/312 đơn vị hành chính cấp xã đạt trên 100% tiêu chuẩn về quy mô dân số; có xã (như xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh), phường đạt trên 2.000% (gấp 20 lần) tiêu chuẩn về quy mô dân số.

Đặc điểm trên đặt ra nhiều khó khăn cho Thành phố trong nghiên cứu, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thời gian tới để đảm bảo đạt cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top