Các tổ chức công đoàn tại Anh cho hay tình trạng cho thôi việc hàng loạt trong ngành trò chơi điện tử của nước này đã dẫn đến sự gia tăng kỷ lục số lượng công nhân tham gia công đoàn.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Walthamstow, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Chi nhánh Game Workers non trẻ của công đoàn IWGB đã chứng kiến số lượng thành viên tăng gần 50% trong khoảng thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 12/2023, khi tình trạng cắt giảm việc làm trong lĩnh vực phát triển game này ngày càng trầm trọng.
Game Workers được thành lập vào năm 2019, trong bối cảnh những người lao động trong lĩnh vực phát triển game ngày càng lo ngại về điều kiện làm việc bấp bênh, nạn phân biệt giới tính phổ biến ở một số studio và việc làm thêm giờ liên tục vô tội vạ.
Ông Austin Kelmore, chủ tịch chi nhánh Game Workers của IWGB cho hay công đoàn đã ghi nhận mức tăng trưởng thành viên mới lớn nhất theo tháng trong lịch sử 5 năm thành lập và hoạt động vào cuối năm ngoái.
Chỉ riêng trong tháng 10/2023, số lượng thành viên của Game Workers đã tăng 12%. Điều này diễn ra chỉ một tháng sau khi Epic, nhà phát triển tựa game đình đám Fortnite, thông báo họ sẽ cắt giảm hàng trăm việc làm vì lí do họ đang “tiêu nhiều tiền hơn số tiền kiếm được”.
Tuần trước, một cuộc thăm dò ý kiến với hơn 3.000 nhân sự trong ngành cho thấy 35% nhà phát triển cho biết họ hoặc đồng nghiệp đã bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm lao động.
Vương quốc Anh có lực lượng lao động tham gia phát triển game lớn nhất châu Âu. Ngành này đóng góp 5 tỷ bảng Anh (khoảng 6,35 tỷ USD) cho nền kinh tế mỗi năm. Nhưng các hãng phát triển và nhà phát hành – cả ở Anh và trên toàn thế giới – hiện đang cắt giảm nhân sự để bù đắp cho mức tăng trưởng quá thấp, sau khi đà bùng nổ trò nhu cầu về game trong mùa dịch không thể tiếp tục. Tình hình đó càng trở nên tồi tệ hơn do suy thoái kinh tế và lạm phát.
Theo thông báo của các studio phát triển game trên toàn thế giới, ít nhất 10.500 nhân viên trong ngành này đã mất việc vào năm ngoái. Nhưng do nhiều trong số 170 công ty và studio liên quan không tiết lộ số lượng nhân viên bị ảnh hưởng, con số thực tế có thể còn cao hơn đáng kể.
Ukie, cơ quan phụ trách ngành công nghiệp game của Vương quốc Anh, tuyên bố rằng khoảng 900 trong số ước tính gần 11.100 người lao động bị mất việc làm đang hoạt động tại nước này. Con số trên tương đương hơn cứ 30 lao động làm việc trong lĩnh vực này ở Vương quốc Anh thì 1 người bị mất việc.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) ngày 19/1 công bố số liệu cho thấy doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 12/2023 đã giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2021 khi Anh áp dụng lệnh phong tỏa vì dịch COVID-19, trong bối cảnh người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng” trong dịp Giáng sinh giữa lúc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
ONS cho biết doanh số bán hàng đã giảm 3,2% trong tháng 12/2023, sau khi tăng 1,4% trong tháng 11/2023 nhờ các chương trình khuyến mại giảm giá dịp Black Friday. Số liệu này thậm chí còn kém hơn nhiều so với dự báo giảm 0,5% trong tháng 12, vốn thường được thúc đẩy bởi hoạt động mua quà cho dịp lễ Giáng Sinh.
Phó giám đốc phụ trách khảo sát và chỉ số kinh tế tại ONS Heather Bovill cho biết sau hoạt động mua sắm sôi nổi trong tháng 11, doanh số bán lẻ đã giảm mạnh trong tháng 12 với tất cả các loại cửa hàng đều bị ảnh hưởng.
Bà Heather Bovill cho biết trong tháng 12/2023, doanh số bán hàng của các cửa hàng thực phẩm đã giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2021 do hoạt động mua sắm Giáng sinh sớm trong tháng 11.
Nhà phân tích Craig Erlam tại công ty dịch vụ tài chính OANDA cho biết doanh số bán lẻ ở Anh giảm mạnh trong tháng 12 do người tiêu dùng thắt chặt hầu bao trong khoảng thời gian được xem là rất quan trọng trong năm đối với các nhà bán lẻ. Doanh số bán hàng của từ các nhà bán lẻ thực phẩm đến các cửa hàng bách hóa đều giảm mạnh do người tiêu dùng chi ít hơn cho quà tặng và thực phẩm trong mùa lễ hội.
Dữ liệu này đã làm u ám thêm triển vọng kinh tế sau thông tin về lạm phát tăng bất ngờ trong tháng 12/2023, do các cuộc đình công kéo dài có nguy cơ đẩy nước Anh vào suy thoái.
Một số liệu khác cho thấy lạm phát hàng năm bất ngờ tăng trong tháng 12, làm tiêu tan hy vọng Anh sẽ sớm cắt giảm lãi suất và thời gian thắt chặt chi phí sinh hoạt kéo dài.
Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng từ mức 3,9% trong tháng 11 lên 4% trong tháng 12, làm thay đổi những kỳ vọng về mức sụt giảm nhẹ. Con số này cao gấp đôi mục tiêu chính thức của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) là 2% và là mức cao nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Kinh tế Anh đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng về vấn đề tiền lương. BoE đã nâng lãi suất chủ chốt lên mức cao nhất trong 15 năm nhằm giảm lạm phát, nhưng điều này lại khiến tình trạng siết chặt chi tiêu của người dân thêm trầm trọng, vì các ngân hàng thương mại chuyển chi phí cho vay sang doanh nghiệp và người tiêu dùng.