Những nỗ lực của Nhật Bản nhằm xây dựng lại ngành công nghiệp bán dẫn đang có kết quả đáng khích lệ khi ngày càng có nhiều công ty sản xuất chip Đài Loan (Trung Quốc) mở rộng hoạt động tại đây.
Logo của TSMC tại trụ sở chính ở Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: Reuters
Động thái này diễn ra trong bối cảnh các liên minh và những ưu tiên trong ngành công nghiệp chip toàn cầu đang thay đổi khi Mỹ cố gắng hạn chế những tiến bộ từ Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn và tăng cường quan hệ đối tác giữa các đồng minh.
Nhà sản xuất chip Fabless Alchip Technologies, chuyên về chip tùy chỉnh, còn được gọi là chip tích hợp dành riêng cho ứng dụng (ASIC), là ví dụ cho xu hướng dịch chuyển.
Một nguồn tin thân cận cho hay, năm 2022, hầu hết các kỹ sư nghiên cứu và phát triển của Alchip hoạt động tại Trung Quốc, những sau đó Alchip đã bắt đầu chuyển ra nước ngoài, trong đó có nhiều người đến Nhật Bản.
Alchip cho biết công ty đang tuyển dụng nhân sự ở Nhật Bản, Bắc Mỹ và Đài Loan, nhưng từ chối bình luận thêm về vấn đề nhân sự.
Tổng giám đốc của Alchip Nhật Bản, ông Hiroyuki Furuzono, dự báo thị trường bán dẫn Nhật Bản sẽ tăng trưởng, theo đó Alchip sẽ tận dụng các cơ hội ASIC của Nhật Bản và đã tham gia vào một số dự án tốt.
Theo số liệu của Reuters, ít nhất 9 công ty chip Đài Loan đã thành lập cửa hàng hoặc mở rộng hoạt động tại Nhật Bản trong hai năm qua. Chẳng hạn như công ty thiết kế chip eMemory Technology đã mở văn phòng hai năm trước tại Yokohama, gần Tokyo và có 11 nhân viên sau khi tuyển dụng từ các tập đoàn Nhật Bản từng thống trị ngành công nghiệp này.
Trả lời hãng tin Reuters, Chủ tịch eMemory Michael Ho cho biết sau khi xây dựng văn phòng ở Nhật Bản, công ty nhận được liên hệ thường xuyên hơn từ khách hàng, theo đó hoạt động kinh doanh phát triển hơn.
Nhiều công ty trong lĩnh vực chip Đài Loan cũng đang xem xét việc tăng cường sự hiện diện hoặc thực hiện bước đột phá đầu tiên vào Nhật Bản, đồng thời nói thêm rằng đồng yen yếu đã khiến những quyết định đó trở nên dễ dàng hơn.
Mặc dù Nhật Bản vẫn tự hào là nhà sản xuất vật liệu và thiết bị bán dẫn hàng đầu nhưng thị phần của nước này trên thị trường sản xuất chip toàn cầu đã giảm xuống còn 10% từ mức 50% vào những năm 1980 sau căng thẳng thương mại với Mỹ và sự cạnh tranh từ các đối thủ Hàn Quốc và Đài Loan.
Nhưng trong những năm gần đây, Nhật Bản đã chi những khoản tiền khổng lồ để xây dựng lại lĩnh vực sản xuất chip của mình, sau khi nhận thấy chất bán dẫn rất quan trọng đối với an ninh kinh tế, và do tình trạng thiếu chip toàn cầu trong thời kỳ đại dịch cũng như những động thái từ Mỹ.
Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) ngày 24/2 sẽ tổ chức lễ khai trương nhà máy đầu tiên trên đảo Kyushu phía Nam Nhật Bản, một trung tâm sản xuất chip.
Kế hoạch đang thực hiện này trái ngược với tình hình xây dựng nhà máy đang gặp khó khăn ở Arizona của TSMC. TSMC cũng vừa công bố kế hoạch xây dựng nhà máy thứ hai tại Nhật Bản, nâng tổng vốn đầu tư vào liên doanh lên hơn 20 tỷ USD.
Ngoài TSMC, liên doanh sản xuất chip được Chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn Rapidus có kế hoạch sản xuất hàng loạt chip trên hòn đảo phía Bắc Hokkaido từ năm 2027.
Powerchip của Đài Loan cũng đang tìm kiếm trợ cấp của chính phủ để thành lập một xưởng đúc trị giá 5,4 tỷ USD tại Nhật Bản.
Các công ty Đài Loan đang tăng cường hiện diện tại Nhật Bản bao gồm Global Unichip Corp (GUC) được TSMC hậu thuẫn, cho biết họ bị thu hút bởi cả tài năng kỹ thuật và cơ hội kinh doanh.
Số lượng công nhân trong các doanh nghiệp liên quan đến chip của Nhật Bản đã giảm khoảng 20% trong khoảng 20 năm qua, mặc dù chính phủ và các trường đại học đã tăng cường nỗ lực khuyến khích sinh viên tham gia lĩnh vực này.