Phiên 25/3, giá vàng thế giới đi lên nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Vàng trang sức được bày bán tại một cửa hàng ở Khartoum, Sudan. Ảnh: AFP/TTXVN
Hiện nay, các nhà giao dịch đang chờ đợi số liệu về lạm phát công bố trong tuần này để có thêm thông tin về thời điểm Fed hạ lãi suất.
Bên cạnh đó, phiên này, đà giảm của đồng USD cũng khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua nước ngoài. Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 2.174,51 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao dịch kỳ hạn tăng 0,8% lên đóng cửa ở mức 2.176,4 USD/ounce.
Dự kiến, Mỹ sẽ công bố dữ liệu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần ngày 28/3 và chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) ngày 29/3.
Ông Bart Melek, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại ngân hàng đầu tư TD Securities, nhận định vàng có thể dễ dàng chạm mức 2.300 USD/ounce hoặc cao hơn trong quý II/2024, giữa bối cảnh sẽ có thêm các nhà giao dịch và nhà đầu tư tham gia vào thị trường sau khi Fed xác nhận lộ trình cắt giảm lãi suất.
Tuy nhiên, ông Melek lưu ý số liệu kinh tế mạnh mẽ hơn có thể khiến vàng giảm giá. Giá vàng đã đạt kỷ lục vào tuần trước sau khi Fed nhắc lại quan điểm về ba lần cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Các nhà giao dịch dự kiến có 70% khả năng Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng Sáu. Lãi suất thấp hơn có xu hướng làm cho vàng trở nên hấp dẫn hơn. Các nhà phân tích cho biết vàng cũng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ lực mua mạnh mẽ của ngân hàng trung ương và nhu cầu tìm nơi trú ẩn an toàn.
Các ngân hàng trung ương vẫn đang tăng nắm giữ vàng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị. Hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là từ Trung Quốc và Ấn Độ, đã giúp bù đắp dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ hoán đổi danh mục vàng (ETF vàng) trong thời gian qua. Một phần nguyên nhân là do căng thẳng địa chính trị như xung đột tại Ukraine và đại dịch.