Trong nửa đầu tháng 4, tín hiệu tăng lãi suất huy động đã trở lại tại một số ngân hàng với mức tăng từ 0,1-0,3%/năm.
Giao dịch tại chi nhánh VPBank. Ảnh: BNEWS
Mới nhất, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) điều chỉnh tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng thêm 0,1%/năm đưa lãi suất lên niêm yết ở mức 2,6%/năm.
Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), lãi suất huy động ở một số kỳ hạn dài tăng tới 0,3%/năm đưa lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 24-36 tháng vượt 5%/năm; lãi suất kỳ hạn 12-18 tháng cũng tăng lên 4,8%/năm.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng tăng thêm 0,2%/năm lãi suất một số kỳ hạn.
Cụ thể, Kienlongbank niêm yết lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn từ 6-36 tháng từ 4,4-5,5%/năm. Eximbank niêm yết lãi suất kỳ hạn từ 6-9 tháng ở mức 4,1%/năm.
Ngoài ra, còn có Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) nhích tăng lãi suất từ 0,1-0,2%/năm tại một số kỳ hạn.
Dù mới chỉ nhích tăng lãi suất huy động tại một vài kỳ hạn nhưng động thái này của các ngân hàng thương mại cũng đang thu hút sự chú ý của người gửi tiền.
Ở chiều ngược lại, vẫn có ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã có 2 lần giảm lãi suất kể từ đầu tháng 4 đến nay, mức giảm từ 0,1-0,3%/năm tùy từng kỳ hạn.
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng tại SCB hiện còn từ 1,6-1,9%/năm; kỳ hạn 6-9 tháng còn 2,9%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 3,7%/năm; kỳ hạn 18-36 tháng còn 3,9%/năm.
Một số ngân hàng khác cũng giảm lãi suất huy động như Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Việt Á (Viet A Bank), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank)…
Theo khảo sát của phóng viên TTXVN, vẫn tồn tại các mức lãi suất huy động cao đặc biệt cho các khoản tiền gửi lớn. Trong đó, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đang là ngân hàng huy động tiền gửi với lãi suất cao nhất lên tới 9,65%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, áp dụng cho số tiền gửi tiết kiệm từ 1.500 tỷ đồng trở lên.
Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) áp dụng lãi suất 9,5%/năm cho tiền gửi từ 2.000 tỷ đồng kỳ hạn 12-13 tháng. Mức này đã giảm 0,5%/năm so với hồi đầu tháng trước.
Tương tự tại Techcombank cũng áp dụng lãi suất 9,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng khi khách hàng gửi tiết kiệm từ 999 tỷ đồng trở lên.
Theo phân tích của WiGroup, mặc dù lãi suất huy động hiện vẫn duy trì ở mức thấp nhất, nhưng có dấu hiệu cho thấy sự đột phá trong việc tăng lãi suất từ một số ngân hàng tư nhân. Nguyên nhân chính của việc này là do lượng tiền gửi vào các ngân hàng giảm, trong khi nhu cầu vay tăng trưởng.
WiGroup dự báo dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất huy động sẽ không còn nhiều, điều này cũng là dấu hiệu sớm cho thấy lãi suất huy động đã sắp chạm “đáy”.