Sáng 25/3, tại thành phố Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V năm 2023” (SV_STARTUP 2023).
Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu; Bí thư Trung ương đoàn Nguyễn Minh Triết; lãnh đạo một số Bộ, ngành và tỉnh Thừa Thiên Huế; đại diện các trường đại học, trường phổ thông, các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến khởi nghiệp sáng tạo và hàng nghìn học sinh, sinh viên.
Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là động lực, nguồn lực quan trọng phát triển quốc gia
Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ niềm vui, sự xúc động khi thấy các cháu học sinh, sinh viên tràn đầy khí thể, thể hiện khát vọng của mình trong khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
“Khát vọng là động lực, là hoài bão thôi thúc chúng ta tiến lên, chinh phục ước mơ; là sự mong mỏi thiết tha hướng tới những điều tốt đẹp cho bản thân và xã hội. Khát vọng, dù lớn lao hay nhỏ bé, bình dị hay sôi động, sâu sắc hay rộng mở đều rất đáng trân trọng, rất đáng khích lệ, là ngọn đèn soi sáng trên con đường gập ghềnh của cuộc sống để đi đến tương lai, đi đến thành công. Khát vọng khởi nghiệp cũng vậy.”, Thủ tướng nói.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả đã đạt được trong thời gian qua và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, các thầy cô giáo cùng toàn thể các học sinh, sinh viên.
Thủ tướng nhấn mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại sự kiện
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phong trào khởi nghiệp đã lan tỏa rộng khắp từ thành phố đến nông thôn và đến tận các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tinh thần doanh nhân, khát vọng khởi nghiệp bắt đầu khởi sắc ở hầu hết các tầng lớp, thế hệ người dân, nhất là trong giới trẻ.
Bên cạnh phân tích những kết quả đã đạt được, Thủ tướng nêu ra rõ những hạn chế trong đó chỉ rõ, hệ sinh thái khởi nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn còn khoảng cách so với một số nước trong khu vực và thế giới. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đối với thanh niên vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản. Nhiều thanh niên có ý tưởng tốt nhưng chưa thể biến thành hiện thực.
Thủ tướng cho biết, Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo;… nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Đề án 1665 đề ra mục tiêu: “Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên… Tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp…”.
Theo Thủ tướng, để đạt được các mục tiêu này, để hoạt động khởi nghiệp có sự đột phá, thực sự trở thành phong trào rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các địa phương thì cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng, hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp, nhưng quan trọng nhất chính là tinh thần quyết tâm, khát vọng của thanh niên Việt Nam.
Thủ tướng cùng các đại biểu, các bạn đoàn viên, thanh niên chụp ảnh lưu niệm tại ngày hội khởi nghiệp
Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp; hỗ trợ triển khai khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm của thanh niên; khuyến khích và bảo vệ những người dám khởi nghiệp, dám đổi mới sáng tạo.
Triển khai hiệu quả Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” và Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp”. Tiếp tục xây dựng, mở rộng và thu hút nguồn lực vào các Quỹ đầu tư khởi nghiệp cho sinh viên. Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thông qua các diễn đàn, hội chợ, câu lạc bộ, các mạnh thường quân, các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư…
Đối với các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng yêu cầu, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp trong ngành giáo dục, đào tạo. Nhà trường là nền tảng; các thầy cô giáo là động lực; học sinh, sinh viên là trung tâm, chủ thể của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó chú trọng phát hiện, khuyến khích, ươm mầm, phát triển các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp để phục vụ thiết thực cho bản thân, cộng đồng và xã hội; tăng cường kết nối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nhà trường; Đẩy mạnh thương mại hóa và bảo hộ các sản phẩm nghiên cứu khoa học. Tăng cường huy động nguồn lực xã hội cho các hoạt động nghiên cứu, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Đối với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Thủ tướng yêu cầu, tạo động lực, truyền cảm hứng, lan tỏa khát vọng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong thanh niên; tiếp tục tạo phong trào, sân chơi, môi trường, tôn vinh, góp phần “làm bệ đỡ” nuôi dưỡng, ươm mầm cho các ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của thanh niên, nhất là học sinh, sinh viên.
Thủ tướng tham quan không gian trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp
Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích mọi ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt mà thực tiễn đặt ra, nhất là những lĩnh vực đang là xu thế của thời đại như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet vạn vật, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ nano, công nghệ vũ trụ… để mau chóng tiệm cận và đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà… nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên”. Bác mong các cháu luôn cố gắng học tập, rèn luyện tốt; có niềm tin, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội; có đam mê, hoài bão, khát vọng vươn lên, ý chí lập thân, lập nghiệp; luôn kiên trì, dám dấn thân; đoàn kết, mạnh dạn, sáng tạo để ấp ủ ước mơ và khơi dậy khát vọng khởi nghiệp. Đi rồi sẽ đến; làm rồi sẽ xong; thất bại là mẹ của thành công. Có khát vọng, đam mê thì sẽ có khởi nghiệp, có khởi nghiệp sẽ có thành công…”, Thủ tướng gửi gắm.
Với truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc ta, với một thế hệ trẻ tràn đầy nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, nhiều ước mơ, Thủ tướng tin tưởng những đam mê, hoài bão, khát vọng của tuổi trẻ sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng, chắp cánh và trở thành hiện thực, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng; nhân dân Việt Nam ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Ngành Giáo dục coi việc khởi nghiệp là một trong những vấn đề chất lượng cần phải tạo ra
Phát biểu cảm ơn và tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Sự hiện diện của Thủ tướng tại Ngày hội đã thể hiện mối quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ tới phong trào khởi nghiệp của của học sinh, sinh viên, đến học sinh, sinh viên nói chung và đến tương lai của đất nước bằng.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại sự kiện
Khẳng định tiếp thu đầy đủ cả nội dung và tinh thần, định hướng mà Thủ tướng đã chỉ đạo, Bộ trưởng cho biết: Phong trào khởi nghiệp của học sinh, sinh viên tính đến nay dẫu kết quả các hoạt động vẫn còn có phần khiêm tốn nhưng có thể nói nó đã thành một tinh thần, thành một khí thế, thành một xu hướng lớn cho học sinh, sinh viên. Hai tiếng “khởi nghiệp” đã trở nên quen thuộc và thôi thúc đối với thế hệ trẻ.
“Chúng tôi coi rằng việc rèn luyện những phẩm chất, những năng lực và những kỹ năng cho học sinh, sinh viên, trong đó cần ưu tiên những năng lực, những phẩm chất có liên quan đến hoạt động khởi nghiệp. Coi việc khởi nghiệp là một trong những vấn đề chất lượng của ngành Giáo dục cần phải tạo ra. Coi việc đổi mới giáo dục và đào tạo mà ngành Giáo dục đang triển khai cần phải thực hiện cho được mục tiêu khởi nghiệp, trong đó những việc như nuôi dưỡng khát vọng, rèn luyện ý chí, cung cấp các kỹ năng không gì khác thuộc trách nhiệm của ngành giáo dục và đào tạo”, Bộ trưởng nói.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, sự kết nối với doanh nghiệp, sư lưu tâm, sự ủng hộ của các Bộ, ngành địa phương để các ý tưởng khởi nghiệp được nuôi dưỡng và ươm mầm từ giai đoạn học tập của sinh viên cũng là việc quan trọng mà ngành giáo dục và đào tạo phải làm.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng lời cảm ơn tới tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung ương Đoàn thanh niên, Hội sinh viên Việt Nam, các tổ chức, cá nhân đã đồng hành với Đề án 1665, các Sở GDĐT, các cơ sở giáo dục đại học, các trường THCS, THPT trên cả nước đã hỗ trợ tổ chức thành công Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên lần thứ V.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh báo cáo việc triển khai Đề án 1665 tại sự kiện
Báo cáo kết quả triển khai Đề án 1665 hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh, Trưởng Ban chỉ đạo Ngày hội cho biết: Triển khai thực hiện Đề án, Bộ GDĐT đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức, cá nhân xây dựng cổng thông tin hỗ trợ khởi nghiệp. Hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu của các cơ sở giáo dục đại học về các hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của các nhà trường để tuyên truyền, giới thiệu năng lực các trường đưa đến học sinh, sinh viên và toàn xã hội.
Tỉ lệ các cơ sở giáo dục đại học đưa hoạt động khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 30% vào cuối năm 2020 lên 48% vào cuối năm 2022 với tối thiểu 1 tín chỉ/môn học. 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp.
100% các cơ sở đào tạo đã xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các diễn đàn, Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa; hình thành mạng lưới 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo trong cả nước.
Đến nay, có 60% các cơ sở đào tạo đã thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của mình, 90 cơ sở đào tạo đã bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên, 45 cơ sở đào tạo đã thành lập các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, trong đó có 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên.