Chuyên gia: Sáp nhập quận Hoàn Kiếm sẽ ‘mất nhiều hơn được’

Hoàn Kiếm là quận trung tâm mang đậm giá trị về lịch sử, văn hóa, nhất là dấu ấn Thăng Long – Hà Nội. Nếu sáp nhập mất sẽ nhiều hơn được. Do đó không thể sáp nhập quận chỉ vì một tiêu chí không đạt.

Tháp rùa nằm ở giữa hồ Gươm. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Thông tin quận Hoàn Kiếm là đơn vị hành chính cấp huyện duy nhất của Hà Nội thuộc diện phải sắp xếp lại trong giai đoạn 2023-2025 đang khiến dư luận cả nước, đặc biệt là giới chuyên gia và người dân sinh sống ở Thủ đô hết sức quan tâm.

Nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm không ủng hộ việc sáp nhập trên mà kiến nghị nên giữ nguyên như hiện tại, bởi Hoàn Kiếm là quận trung tâm mang đậm nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, đặc biệt là dấu ấn Thăng Long – Hà Nội. Vì thế, không thể để mờ nhạt dấu ấn lịch sử đó bằng một tiêu chí hay quyết định hành chính.

Phải tôn trọng lịch sử

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 ngày 31/7, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo Nghị quyết 35 của Quốc hội, quận Hoàn Kiếm và 176 xã, phường sẽ thuộc diện phải sáp nhập trong 2 năm tới.

Quận Hoàn Kiếm hiện có 18 phường, nằm tiếp giáp với các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và sông Hồng.

Theo Điều 7 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp quận gồm: Quy mô dân số từ 150.000 người trở lên diện tích tự nhiên từ 35 km2 trở lên, số đơn vị hành chính trực thuộc (phường) có từ 12 đơn vị trở lên.

Trong hai năm tới, các đơn vị hành chính cấp huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập.

Với quận Hoàn Kiếm, số liệu thống kê từ năm 2018 thể hiện quận trung tâm của thành phố Hà Nội có quy mô dân số khoảng 155.900 người. Riêng diện tích tự nhiên của quận là 5,29 km2, thấp hơn gần 7 lần so với tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp quận.

Đối chiếu quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận Hoàn Kiếm đạt 100% tiêu chuẩn về dân số nhưng lại chỉ đạt khoảng 15% về diện tích nên thuộc diện phải sáp nhập.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về vấn đề trên, Tiến sỹ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội nhấn mạnh ông không ủng hộ việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm mà kiến nghị nên giữ nguyên như hiện tại.

“Đây là vấn đề cần xem xét kỹ bởi để hình thành quận thì phải theo 5 tiêu chí: Dân số; diện tích; số lượng đơn vị hành chính; cơ cấu kinh tế; kết cấu cơ sở hạ tầng. Trong các tiêu chí này thì quận Hoàn Kiếm chỉ có 1 tiêu chí không đạt là diện tích. Còn các tiêu chí còn lại đều vượt, nhất là tiêu chí về cơ cấu kinh tế, cơ sở hạ tầng đồng bộ nhất,” ông Nghiêm nói.

Nhà hát lớn ở quận Hoàn Kiếm. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Ông Nghiêm cũng đặc biệt lưu ý Hoàn Kiếm là quận trung tâm của Thủ đô, mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa đặc thù, nhất là dấu ấn Thăng Long – Hà Nội đã được hình thành từ rất nhiều năm trước. Do đó, tiêu chí diện tích của quận này dù thấp hơn quy định nhưng cũng không thể “đánh liều” lấy làm yếu tố quyết định.

“Với truyền thống văn hóa, lịch sử và quá trình phát triển của quận trung tâm Thủ đô, chúng ta cần phải cân nhắc, không nên chỉ vì một tiêu chí, một quyết định hành chính mà làm giảm đi giá trị văn hóa, dấu ấn lịch sử,” ông Nghiêm nói và nhấn mạnh rằng mọi quy định là do con người nghĩ ra nên việc áp dụng càng cần phải hợp lý và khả thi, không nên cứng nhắc, đặc biệt là phải tôn trọng lịch sử.

Hơn thế, theo ông Nghiêm, vấn đề sáp nhập này còn phải lấy ý kiến của nhân dân. Do vậy, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nêu quan điểm hy vọng thành phố Hà Nội sẽ không sáp nhập quận Hoàn Kiếm vào một quận nào đó.

Mất nhiều hơn được

Cùng bàn về nội dụng trên, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cũng thẳng thắn đưa ra nhiều lý do để thể hiện quan điểm không đồng tình sáp nhập quận Hoàn Kiếm.

Theo ông Chính, chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính là đúng đắn. Nhưng sáp nhập đơn vị hành chính nào cũng cần đánh giá và tính toán trên nhiều góc độ, đặc biệt là với quận Hoàn Kiếm thì phương án sáp nhập càng thận trọng.

“Ở Hà Nội, Hoàn Kiếm là quận trung tâm, mang nhiều giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa và cả tâm linh. Vì thế, việc sáp nhập Hoàn Kiếm vào bất cứ quận nào khác đều không phù hợp,” ông Chính nói và dẫn chứng Hoàn Kiếm không thể sáp nhập với Long Biên hay Gia Lâm vì còn cách nhau con sông Hồng.

Với các quận vùng lõi lân cận như Ba Đình, Đống Đa hay Hai Bà Trưng, ông Chính lo ngại nếu sáp nhập quận Hoàn Kiếm vào sẽ gây xáo trộn rất lớn. Điển hình như việc sau sáp nhập sẽ phải đổi tên quận cũng sẽ làm mất đi bản sắc của những quận vốn dĩ mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô Hà Nội.

Nêu dẫn chứng, ông Chính cho hay quận Hoàn Kiếm còn có 36 phố phường với lịch sử nghìn năm văn hiến và nhiều công trình nổi tiếng như Nhà hát lớn, Nhà thờ lớn. Hoàn Kiếm còn có quần thể Tháp Bút, cầu Thê Húc, Đền Ngọc Sơn, tượng đài Lý Thái Tổ… Đó đều là những biểu tượng văn hóa, lịch sử ý nghĩa của Thủ đô.

“Những giá trị lịch sử trên đủ để thấy Hoàn Kiếm rất đặc biệt. Nếu chỉ vì việc sáp nhập mà làm mất đi những giá trị lịch sử, văn hóa của quận Hoàn Kiếm, có nên làm không?” ông Chính nói và cho rằng nếu sáp nhập quận Hoàn Kiếm, mất sẽ nhiều hơn được. Hơn thế, việc này có thể khiến tâm lý người dân hoang mang.

Công trình xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm được gắn biển Công trình Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính cũng lưu ý rằng Hà Nội còn rất nhiều việc cần làm như quy hoạch tốt Thủ đô, chuẩn bị thật tốt hạ tầng khi xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô, quy hoạch có hiệu quả hai bên sông Hồng, xây dựng thêm nhiều công viên và trường học. Vì thế, tính toán sáp nhập một quận quan trọng như Hoàn Kiếm vào thời điểm này hay cả giai đoạn tới là không hợp lý.

Trước đó, bên lề hội thảo góp ý sửa đổi Luật Thủ đô diễn ra vào ngày 1/8, Phó vụ trưởng Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Hữu Thành cũng cho rằng ngoài tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, việc sắp xếp đơn vị hành chính cũng cần phải tính đến yếu tố đặc thù.

Đơn cử địa giới đơn vị hành chính ổn định từ năm 1945; văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc; điều kiện giao thông, vị trí địa lý… Những tiêu chí này phải được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng. Về trường hợp quận Hoàn Kiếm, qua rà soát mới đánh giá được tiêu chí dân số, diện tích tự nhiên chứ chưa tính đến yếu tố đặc thù.

Theo ông Thành, việc điều chỉnh các quận này phải căn cứ đồng thời hai yếu tố là quy mô dân số và diện tích tự nhiên cùng dưới 70% so với quy định chứ không phải chỉ dựa vào một tiêu chí. Một quận có diện tích đạt dưới 20%, nhưng dân số trên 200% cũng không thuộc diện sáp nhập.

Phó vụ trưởng Chính quyền địa phương cũng nhấn mạnh quận Hoàn Kiếm và 176 đơn vị hành chính cấp xã của Hà Nội thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 mới là số liệu rà soát, chưa phải quyết định hay phương án sắp xếp.

Theo quy trình, Hà Nội cần phải xây dựng phương án tổng thể, sau khi được phê duyệt thì mới tiếp tục triển khai phương án cụ thể./.

Theo: Vietnamplus.vn
Spread the love
Back To Top