Trường Tiểu học Hòa Bình (Quận 1, TPHCM) nỗ lực xây dựng không gian xanh, sạch, đẹp. |
Đồng thời thông qua kết quả khảo sát, đo lường để nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Băn khoăn về cơ sở vật chất
Tại Sóc Trăng, hàng năm, ngành GD-ĐT đều ban hành và triển khai phương án đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh. Đối tượng điều tra chủ yếu là cha mẹ học sinh từ mầm non đến THCS và học sinh THPT với 5 nội dung gồm:
Mức độ hài lòng của người dân về tiếp cận dịch vụ giáo dục; cơ sở vật chất; môi trường; hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục của nhà trường. Theo đó, kết quả chỉ số hài lòng đối với dịch vụ giáo dục công lập giai đoạn 2017 – 2020 đều đạt từ 94% – 98%.
Bước sang năm 2021, nội dung khảo sát được Sở GD&ĐT Sóc Trăng tiếp tục phát huy. Sở đã nắm bắt mức hài lòng của người dân qua việc tiếp cận dịch vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị, môi trường và hoạt động giáo dục (đối với cấp mầm non là “Hoạt động chăm sóc – giáo dục trẻ”), sự phát triển và tiến bộ của người học.
Kết quả điều tra khảo sát cho thấy điểm hài lòng theo từng lĩnh vực được người dân đánh giá khá cao. Tỷ lệ “Hài lòng” và “Rất hài lòng” chiếm trên 73%. Cao nhất là lĩnh vực Môi trường giáo dục (83%), tiếp sau đến lĩnh vực Tiếp cận dịch vụ (82%), Hoạt động giáo dục (81%), Sự phát triển của học sinh (79%) và Cơ sở vật chất (73%). Tỷ lệ “Bình thường” chiếm từ 15% – 23%.
Với mức độ “Không hài lòng” và “Rất không hài lòng” ở các lĩnh vực đều có tỷ lệ thấp. So với các lĩnh vực khác, cơ sở vật chất có số người đánh giá là không hài lòng và rất không hài lòng chiếm cao nhất, tập trung ở cấp THPT (lên đến 10%).
Anh Trần Tuấn Thành, ngụ tại thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công nhận được sự ủng hộ rất lớn của phụ huynh. “Tôi và nhiều phụ huynh khác đánh giá cao môi trường, hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục của nhà trường.
Tuy nhiên, chưa thực sự hài lòng về cơ sở vật chất, đặc biệt là thiết bị dạy học và trường lớp. Đây cũng là khó khăn chung của trường học vùng nông thôn. Chúng tôi hy vọng qua khảo sát, nhà trường, ngành Giáo dục, chính quyền địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, khắc phục những hạn chế. Có giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục tại các cơ sở giáo dục”, anh Thành bày tỏ.
Còn tại TPHCM, tháng 9/2022, sở GD&ĐT đã công bố kết quả khảo sát của Đề án đo lường chất lượng hoạt động và cung cấp dịch vụ công tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn trong năm này.
Trước đó, để có những đánh giá về dịch vụ giáo dục công, Sở GD&ĐT TPHCM phân chia 24 quận, huyện thành 3 nhóm và chọn 3 quận/huyện (Quận 6, 10 và huyện Hóc Môn) để thực hiện khảo sát trong 3 giai đoạn về các tiêu chí: Tiếp cận dịch vụ giáo dục; cơ sở vật chất, trang thiết bị; môi trường giáo dục; hoạt động giáo dục; sự phát triển và tiến bộ của người học.
Tổng số phiếu khảo sát thu về là 2.400, gồm 2.100 phiếu của phụ huynh và 300 phiếu từ học sinh. Trong phiếu khảo sát, điểm hài lòng là điểm trung bình của tất cả câu hỏi, với 5 mức từ mức 1 (rất không hài lòng) cho đến mức 5 (rất hài lòng).
Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ hài lòng chung của phụ huynh đối với dịch vụ giáo dục công cao, đạt 90,78% trong tất cả tiêu chí, còn học sinh là 84,29%. Riêng điểm hài lòng về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thấp nhất nhưng cũng đạt tỷ lệ 87,20%, về phía học sinh ở mức 78,4%.
Học sinh Trường THPT Hoàng Diệu (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng). |
Nhìn rõ hạn chế
Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng, ông Châu Tuấn Hồng cho biết, khảo sát hằng năm ghi nhận nhiều ý kiến về nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ giáo dục công.
Trong đó, đa số người dân mong muốn trường học được mở rộng, trồng thêm cây xanh, bổ sung đồ dùng, đồ chơi cho trẻ; nâng cấp và xây thêm phòng học kiên cố, bổ sung bàn ghế học sinh, quạt máy, đồ dùng dạy học, máy vi tính. Đồng thời tăng cường phụ đạo học sinh cũng như các hoạt động vui chơi, ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, đổi mới phương pháp dạy học…
Tương tự, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM, cho hay, kết quả khảo sát hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công trên địa bàn đã phản ánh khách quan những nỗ lực của ngành trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục. Qua đó cũng cho thấy những điểm còn hạn chế, cần phải khắc phục.
Theo ông Minh, một trong những tồn tại mà ngành Giáo dục TPHCM đang đối mặt là cơ sở vật chất trường học. Với tốc độ tăng dân số quá nhanh, dù đã được các ngành, cấp quan tâm, hỗ trợ nhưng tốc độ xây dựng trường lớp vẫn còn hạn chế.
Thông qua kết quả khảo sát, ngành đã đưa ra một số giải pháp như vận hành tốt hơn cổng thông tin điện tử của các đơn vị; tăng cường công khai những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng nhà trường; công khai thông tin tuyển sinh, các khoản thu và chi, tạo điều kiện thuận lợi tiếp thu ý kiến phản ánh, đóng góp của phụ huynh và học sinh trên tinh thần lắng nghe, cầu thị.
“Từ kết quả khảo sát, cơ sở giáo dục cần chủ động sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng như quan tâm đến việc nâng cấp, sửa chữa, cải thiện tình trạng nhà vệ sinh.
Đồng thời, ngành Giáo dục thành phố sẽ có giải pháp nâng cao diện tích sân chơi, bãi tập và tăng cường mảng xanh trong trường học. Đặc biệt, các quận/huyện cần đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư xây dựng phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị hiện đại và đẩy mạnh xây dựng thư viện thông minh, mô hình trường học tiên tiến…”, ông Minh thông tin.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng, trên cơ sở kết quả đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục, Sở GD&ĐT Sóc Trăng đã kiến nghị cơ quan quản lý giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt đến cơ sở giáo dục đối với các tiêu chuẩn, nội dung liên quan đến nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục, chỉ đạo cơ sở giáo dục công lập thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ giáo dục tại đơn vị. Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra việc cung cấp dịch vụ giáo dục tại cơ sở giáo dục công lập. |