Thị trường cải tạo nhà ở của Mỹ đang chậm lại

Sau ba năm tăng trưởng doanh thu liên tiếp, nhà bán lẻ vật liệu xây dựng và thiết bị gia đình lớn nhất Mỹ, Home Depot, dự kiến trong ngày 15/8 sẽ công bố doanh thu quý II/2023 giảm.

Điều này minh chứng cho một bức tranh rộng hơn về nhu cầu về nhà ở của người dân Mỹ đang đi xuống.

                                                                                                                                                                                      Thị trường cải tạo nhà ở của Mỹ đang chậm lại

Phó Chủ tịch cấp cao, đồng thời là nhà kinh tế trưởng của công ty tài chính Fannie Mae, Doug Duncan, cho biết tâm lý mua nhà của người dân Mỹ liên tục giảm. Nguyên nhân là do giá nhà cao, đi kèm lãi suất tăng, gây “kìm hãm” nhu cầu mua nhà.

Trong tháng Bảy, mặc dù giá nhà ở trung bình của Mỹ thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn nằm trong ngưỡng giá kỷ lục. Trong khi đó, lãi suất trung bình cho một khoản vay thế chấp mua nhà đã ở mức 6,5-7%, kể từ cuối tháng Năm.

Ông Duncan nói tỷ lệ người dân Mỹ kỳ vọng giá nhà tăng cũng đang đi lên đều đặn kể từ tháng Ba. Xu hướng này khiến số lượng nhà có sẵn trên thị trường bị thu hẹp. Người bán muốn chờ một thời gian nữa với kỳ vọng giá nhà tăng sẽ thu được lợi nhuận nhiều hơn và người mua không muốn bỏ chi phí khi giá nhà lên cao, thị trường ít và lãi suất tăng. Ông Duncan khẳng định đây là dấu hiệu cho thấy triển vọng thị trường nhà ở của Mỹ đang chậm lại.
Theo một báo cáo chuyên ngành cải tạo nhà ở do bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Bank of America (BoA) thực hiện, thị trường cải tạo nhà ở của Mỹ có giá trị khoảng 1.000 tỷ USD, trong đó Home Depot chiếm 17% và Lowe’s chiếm 10%, còn lại là các nhà bán lẻ và công ty khác.
Chi tiêu cho việc cải tạo nhà cửa của Mỹ trong thời kỳ đại dịch COVID-19 – từ năm 2020 đến năm 2022 – đã tăng với tốc độ chóng mặt, nhờ sự kết hợp giữa cơn sốt mua nhà và nhu cầu cải thiện không gian ở của mọi người, khi họ buộc phải ở nhà để ngăn ngừa dịch bệnh. Nguồn tài chính hộ gia đình dồi dào, cộng với lạm phát giá cả hàng hóa và dịch vụ cải tạo nhà cửa, đã thúc đẩy ngành này tăng trưởng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích BoA cho biết, vào giữa năm 2022, sau khi đạt mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ năm trước, chi tiêu cải tạo nhà ở liên tục giảm tốc. Đến đầu năm 2023, con số này đã thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Bước sang nửa cuối năm nay, mặc dù một số yếu tố dần trở nên thuận lợi hơn cho chi tiêu cải tạo nhà cửa, nhưng các nhà phân tích dự đoán tình hình cả năm sẽ không thay đổi và quỹ đạo này tiếp tục kéo dài sang năm 2024, với một số biến động định kỳ diễn ra qua các tháng.
Bên cạnh xu hướng tăng trưởng yếu của thị trường nhà ở nói chung, một tác động tiêu cực khác đối với ngành cải tạo nhà của Mỹ là doanh số bán nhà hiện có đã giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Thông thường, trong khoảng thời gian 10 năm, sẽ có 9/10 ngôi nhà mới được bán ra đã đổi chủ. Hoạt động mua bán nhà cũ phát triển kéo theo ngành cải tạo nhà ở tăng trưởng. BoA lưu ý thị trường cải tạo nhà không chỉ lớn hơn thị trường xây dựng nhà mới, mà còn ít biến động hơn đáng kể.
Nhưng cấu trúc xây dựng đang thay đổi. Hiện tỷ lệ nhà mới xây đang tăng lên và tỷ lệ nhà ở hiện có giảm xuống. Với số lượng nhà có sẵn hiện ít được đổi chủ hơn so với những năm gần đây, nhu cầu cải tạo nhà cũng giảm đi tương đối.
Tuy nhiên, đánh giá về xu hướng dài hạn, các nhà phân tích của BoA tin rằng thị trường cải tạo nhà ở sẽ có nhiều lợi thế để quay lại đà tăng trưởng.
Theo Hiệp hội Môi giới Quốc gia Mỹ, độ tuổi trung bình của người mua nhà lần đầu là 36 tuổi. Nhóm Thế hệ Millennials (những người sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1980 – 1995) phần lớn vẫn đang mua nhà và đây là nhóm có nhu cầu mua nhà lớn nhất trong các nhóm độ tuổi khác nhau. Điều này đem lại tiềm năng cho ngành bất động sản nói chung và lĩnh vực cải tạo nhà nói riêng.
Hơn nữa, các nhà phân tích nhận thấy một triển vọng thuận lợi khác của ngành cải tạo nhà là xu hướng di dân đến các khu vực nông thôn và ngoại ô, thay vì tập trung vào các thành phố lớn.
Theo nghiên cứu của BoA, hơn 3/4 thế hệ Millennials bày tỏ mong muốn sống ở khu vực ngoại ô hoặc nông thôn, hơn là ở các khu vực thành thị. BoA nhấn mạnh “làn sóng” chuyển từ căn hộ chung cư và nhà liền kề ở đô thị sang bất động sản ở ngoại ô và nông thôn sẽ hỗ trợ tăng trưởng chi tiêu cho các loại hàng hóa liên quan đến nhà ở trong dài hạn./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top