Nếu trầm cảm là nguyên nhân khiến bạn thiếu động lực trong cuộc sống, hãy cùng tham khảo 11 chiến lược tăng cường động lực giúp bạn thoát khỏi tình trạng chán nản.
Hòa mình vào thiên nhiên sẽ giúp bạn lấy lại động lực, thoát khỏi tình trạng chán nản. (Nguồn: drwillcole)
Thiếu động lực là một trong những triệu chứng của trầm cảm, mặc dù nó có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân khác. Bên cạnh việc điều trị bệnh trầm cảm, một số gợi ý dưới đây có thể giúp cải thiện động lực của bạn.
Trầm cảm là bệnh rối loạn cảm xúc. Dấu hiệu của bệnh trầm cảm đặc trưng bởi cảm giác buồn bã, chán nản, mất động lực trong thời gian dài. Người bệnh gặp ảnh hưởng cả cảm xúc, hành vi, tư duy tiêu cực, từ đó dẫn đến nhiều vấn đề với cả thể chất và tinh thần.
Trầm cảm hiện nay là căn bệnh phổ biến rất đáng lo ngại. Nếu không nhận biết sớm dấu hiệu bệnh trầm cảm và chủ động có hướng xử lý, bệnh sẽ ngày càng trầm trọng. Nhiều người bị trầm cảm nặng có suy nghĩ tự sát.
Thống kê cho thấy mỗi năm có đến hơn 700.000 người bị trầm cảm chết vì tự tử trên toàn thế giới, trong số đó có rất nhiều người trẻ tuổi.
Trầm cảm có thể gây ra tình trạng thiếu động lực, nhưng thuốc men và các tình trạng sức khỏe khác, chẳng hạn như ADHD, cũng có thể góp phần gây ra tình trạng này. Ví dụ bạn có thể thiếu động lực nếu gặp khó khăn khi đối mặt với một vấn đề trong cuộc sống hoặc gặp phải điều gì đó ảnh hưởng đến sự tự tin của bạn.
Các triệu chứng trầm cảm có thể từ nhẹ đến nặng. Chúng có thể là mãn tính hoặc có thể xảy ra dưới dạng các giai đoạn xảy ra một lần do các sự kiện đau buồn trong cuộc sống như cái chết hoặc bệnh tật trong gia đình, sự kết thúc của một cuộc hôn nhân, khó khăn về tài chính hoặc những gián đoạn khác.
Nếu trầm cảm là nguyên nhân khiến bạn thiếu động lực, bạn có thể thấy rằng mức độ động lực có liên quan trực tiếp đến mức độ chán nản của bạn. Nếu bạn hoặc người thân cảm thấy thiếu động lực do trầm cảm, có nhiều cách để giúp cải thiện tình hình.
Ban đầu việc này có vẻ khó khăn, nhưng sự kiên trì sẽ giúp nuôi dưỡng cảm giác động lực ngày càng tăng theo thời gian.
Dưới đây là một số gợi ý để giúp bạn bắt đầu.
1. Đặt mục tiêu nhỏ
Nếu ý nghĩ làm bất cứ điều gì có vẻ quá sức, hãy bắt đầu từ việc nhỏ. Tập trung vào một mục tiêu tại một thời điểm và cố gắng ngăn chặn những suy nghĩ về những gì xảy ra sau đó. Khi bạn đạt được những mục tiêu này, bạn có thể bắt đầu bổ sung mục tiêu khác.
2. Ra khỏi giường và cởi bỏ bộ đồ ngủ
Hành động đơn giản đứng dậy là một chiến thắng đầu tiên trong ngày. Nếu bạn dự đoán việc này sẽ khó khăn, hãy thử để lại một vài tờ giấy ghi chú với những lời khẳng định tích cực ở nơi bạn có thể nhìn thấy, chẳng hạn như: “Có, bạn có thể làm điều đó”; “Mọi hành trình dài đều bắt đầu bằng một bước chân”;”Không bao giờ bỏ cuộc!”
Bộ não của bạn tiêu hóa bất kỳ suy nghĩ nào bạn tạo ra, vì vậy bạn có thể thử cho nó những suy nghĩ tích cực.
3. Đi dạo
Tập thể dục giúp cơ thể giải phóng endorphin, một nhóm hormone cải thiện tâm trạng. Tập thể dục ít nhất 35 phút mỗi ngày trong 5 ngày một tuần có thể cải thiện các triệu chứng trầm cảm nhẹ đến trung bình. Nó cũng có thể giúp điều trị các dạng trầm cảm nặng hơn.
4. Hòa mình vào thiên nhiên
Theo một đánh giá của nghiên cứu, việc tiếp xúc với thiên nhiên có thể có tác động tích cực đến cảm giác trầm cảm. Bạn có thể đi dạo, ngồi bên ngoài hoặc tham gia vào một sở thích ngoài trời, như làm vườn.
5. Đừng lên lịch quá nhiều
Hãy tự chúc mừng bản thân vì mọi nhiệm vụ hoặc mục tiêu bạn hoàn thành, dù nhỏ đến đâu.
Nếu bạn chỉ có thể hoàn thành một hoặc hai nhiệm vụ thì không sao cả. Điều đó sẽ giúp cải thiện sự tự tin và cảm giác động lực của bạn.
6. Tránh tiêu cực
Đọc tin tức hoặc “tận thế” trên mạng xã hội, nói chuyện với những người khiến bạn cảm thấy kiệt sức và tiêu cực hoặc xem lại những chủ đề buồn bã – những hoạt động này đều có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và động lực của bạn.
Thay vào đó, hãy tập trung vào việc đọc nội dung nâng cao tinh thần và cố gắng ở cạnh những người mà bạn cảm thấy thoải mái.
7. Bám sát một thói quen
Cảm giác hoàn thành công việc hàng ngày có thể thúc đẩy hạnh phúc.
Viết ra thói quen của bạn, dán nó lên tường hoặc nơi nào đó bạn sẽ nhìn thấy và đánh dấu khi bạn hoàn thành nhiệm vụ. Hoàn thành những việc trong danh sách có thể truyền cảm hứng cho bạn để hướng tới mục tiêu cao hơn mỗi ngày.
Bạn cũng có thể viết nhật ký như một phần thói quen của mình. Nhật ký là nơi tốt để loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực và nhường chỗ cho những điều tích cực.
8. Giao lưu
Chọn những mối quan hệ tích cực và khuyến khích mọi người giao lưu với bạn khi bạn cảm thấy thoải mái. Có một mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ và giảm thiểu trầm cảm.
Nếu bạn ở xa những người thân yêu, hoạt động tình nguyện có thể là một cách tuyệt vời để gặt hái những lợi ích từ sự kết nối xã hội và thúc đẩy bản thân có mục đích.
9. Tạo mạng lưới hỗ trợ
Có một mạng lưới hỗ trợ sẵn sàng khi động lực của bạn cạn kiệt và bạn cảm thấy choáng ngợp. Chọn những người mà bạn cảm thấy thoải mái khi nói chuyện cùng và những người có thể giúp đưa ra lời động viên.
10. Cải thiện sức khỏe đường ruột của bạn
Có một đường ruột khỏe mạnh có thể giúp hỗ trợ sức khỏe tinh thần của bạn vì đường ruột và não của bạn có thể ảnh hưởng lẫn nhau.
Nghiên cứu cho thấy vi khuẩn Lactobacillus giúp duy trì nồng độ gamma interferon, một chất trung gian miễn dịch, rất quan trọng đối với phản ứng căng thẳng và sức khỏe tinh thần.
Ăn một chế độ ăn uống bổ dưỡng giàu prebiotic và men vi sinh có thể giúp hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa của bạn. Vi khuẩn được tìm thấy trong thực phẩm lên men, chẳng hạn như sữa chua, cũng có thể cải thiện tâm trạng bằng cách giảm lo lắng và có khả năng cải thiện các triệu chứng trầm cảm.
11. Ngủ đủ giấc
Trầm cảm có thể khiến cơ thể kiệt sức. Ngủ quá nhiều hoặc quá ít đều ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Đặt mục tiêu ngủ 8 tiếng mỗi đêm./.