Cắt điện luân phiên, người dân méo mặt, doanh nghiệp lao đao

Tình trạng cắt điện luân phiên diễn ra thường xuyên gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp sản xuất cũng như làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt thường nhật.

Để khắc phục tình trạng mất điện, nhiều nhà hàng, quán ăn và cơ sở kinh doanh dịch vụ đã phải tìm đến một số giải pháp như mua quạt tích điện, thuê máy phát điện… nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.

Anh Vũ Minh Huy – chủ một nhà hàng tại huyện Vũ Thư, Thái Bình chia sẻ: “Mất điện thường xuyên ảnh hưởng đến việc kinh doanh của nhà hàng, hệ thống cấp đông, tủ lạnh không đảm bảo nhiệt độ để bảo quản thực phẩm, khách hàng vào quán thì kêu nóng. Việc sử dụng máy phát điện cũng chỉ là giải pháp tạm thời vì chi phí thuê máy phát điện khá cao. Vì vậy nhà hàng chỉ còn cách là những ngày mất điện sẽ không nhận khách, chấp nhận đóng cửa hàng”.

Tương tự, chị Thu Huệ – chủ xưởng may ở huyện Kiến Xương, Thái Bình cho biết, cắt điện luân phiên kéo dài dẫn đến tình trạng xưởng may gặp khó khăn vì tiến độ đơn hàng trả cho khách bị chậm. Xưởng may có hơn 20 công nhân nhưng hôm nào mất điện thì sản lượng sản xuất ngày hôm đó bị đình trệ”.\

Công nhân chia ca làm việc để đối phó với tình trạng cắt điện.

Điện là yếu tố vô cùng quan trọng trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp cũng như đời sống sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên trước thực tế mất điện luân phiên kéo dài nhiều ngày, nhiều người đã tự chủ động tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt.

Anh Nguyễn Trọng Lương – Giám đốc sản xuất của xưởng in ấn Minh Lương (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho hay: “Để đảm bảo sản xuất cũng như hoàn thành kịp các đơn hàng, chúng tôi đành phải sử dụng nhiều biện pháp khắc phục khác nhau. Đối với bộ phận hành chính – văn phòng sẽ được phép làm online tại nhà; còn bộ phận sản xuất sẽ được chia thành 2 ca, một ca đêm và một ca ngày nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng điện trong nhà máy”.

Anh Lương thông tin thêm, đối với những đơn hàng có thể kéo dài ngày trả hàng, anh sẽ liên hệ đàm phán và xin thêm thời gian trả hàng cho đối tác. Còn đối với nhân viên, anh Lương cũng phải động viên họ vì sự thay đổi thời gian làm việc sẽ ảnh hưởng đến đời sống của công nhân.

Anh Minh Công – xưởng sản xuất nội thất tại Phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tâm sự, anh đã phải bỏ ra 25 triệu đồng để thuê một chiếc máy phát điện dự trữ phòng trường hợp mất điện đột ngột xảy ra. Đây là giải pháp duy nhất để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của xưởng trong thời điểm khó khăn này…

Spread the love
Back To Top