Bộ Tài chính cũng cho rằng, chất lượng nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân còn thấp, kiến thức tài chính, năng lực phân tích rủi ro hạn chế, mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh.
Trong những năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh, từng bước phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính trong quá trình phát triển, đã phát sinh một số bất cập, rủi ro như các doanh nghiệp quản lý chưa tốt khâu luân chuyển dòng tiền, sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, có trường hợp vi phạm trong tổ chức phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tính tuân thủ và đạo đức nghề nghiệp của một số tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao, lợi dụng uy tín và mối quan hệ sẵn có để lôi kéo người dân gửi tiền tiết kiệm ngân hàng chuyển sang mua trái phiếu, trong khi không cung cấp đầy đủ thông tin về trái phiếu doanh nghiệp, tư vấn trái phiếu là sản phẩm tiết kiệm linh hoạt.
Bộ Tài chính cũng cho rằng, chất lượng nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân còn thấp, kiến thức tài chính, năng lực phân tích rủi ro hạn chế, mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao.
“Ngay cả khi Luật Chứng khoán và các Nghị định hướng dẫn đã quy định chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhưng nhiều nhà đầu tư cá nhân cố tình vi phạm quy định để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ”, Bộ Tài chính chia sẻ.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, nhà đầu tư cần lưu ý trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là sản phẩm tài chính mà theo quy định của pháp luật chỉ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, khi mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phải tiếp cận đầy đủ hồ sơ phát hành, đánh giá mức độ rủi ro khi mua trái phiếu và chịu trách nhiệm về việc đầu tư của mình.
Trước đó, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng thương mại giãn thời gian trả nợ lãi và gốc của các khách hàng đang gặp khó khăn, giảm lãi suất, duy trì thanh khoản trên thị trường tiền tệ để cung ứng vốn cho nền kinh tế…
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, để doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý các khó khăn trước mắt về trái phiếu, góp phần giảm áp lực thanh khoản.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ, theo Bộ Tài chính, kể từ quý II/2023 tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện, khối lượng phát hành tăng, đến hết tháng 9/2023, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 139,4 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng cho biết, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, các Nghị định hiện hành của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã quy định đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trong việc thanh toán đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu; phải mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc nếu có vi phạm trong hoạt động phát hành trái phiếu.
Bộ Tài chính cho biết, năm 2023, khối lượng trái phiếu đáo hạn tương đối lớn, hiện các doanh nghiệp đang nỗ lực cân đối dòng tiền để thu xếp thanh toán đúng hạn, giữ uy tín với thị trường. Đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn, căn cứ theo quy định có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán trái phiếu bằng tài sản hợp pháp của mình; thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu, trường hợp gia hạn trái phiếu thì tối đa không quá 2 năm.
Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương bố trí mọi nguồn lực để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết. Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, đề nghị doanh nghiệp phát hành chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu phương thức thanh toán phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, doanh nghiệp phải tự thay đổi, chủ động tăng cường công khai minh bạch, công bố thông tin về tình hình của doanh nghiệp để lấy lại niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.
Thời gian tới, Bộ Tài chính và các bộ, ngành tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường như chủ động, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục tuyên truyền phổ biến chính sách về trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường, đào tạo kiến thức tài chính cho nhà đầu tư và cập nhật thông tin về tình hình thị trường.
Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản gửi doanh nghiệp phát hành và tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu yêu cầu có trách nhiệm tới cùng trong việc thanh toán nghĩa vụ trái phiếu, trường hợp có khó khăn trong cân đối nguồn chi trả, doanh nghiệp phải chủ động làm việc với nhà đầu tư để có phương án thanh toán trái phiếu phù hợp.
Đồng thời, khuyến nghị các tổ chức phát hành chủ động sử dụng dịch vụ kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản để đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp và công bố thông tin cho nhà đầu tư yên tâm tiếp tục đầu tư đối với các trái phiếu có tình hình tốt.
Về phía nhà đầu tư, Bộ Tài chính cũng lưu ý trang bị đầy đủ hiểu biết về quy định của pháp luật về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tiếp cận đầy đủ thông tin và đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, thận trọng đối với các dịch vụ tư vấn, phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp với tiền gửi ngân hàng, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư; tránh việc đầu tư thiếu hiểu biết, gây thiệt hại cho chính bản thân và không được pháp luật bảo vệ./.