Ngân hàng trung uơng Nhật Bản (BoJ) đã thực hiện bước đi bất thường nhằm hỗ trợ hiệu quả cho thị trường cổ phiếu trong nước bằng cách mua các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) trong hơn một thập kỷ qua.
Trụ sở của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ở Tokyo. Ảnh: Reuters
Ngân hàng này đã trở thành bên bán cổ phiếu ròng vào năm 2023, lần đầu tiên kể từ khi triển khai biện pháp này vào năm 2010.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản hoạt động khá tốt vào năm 2023, với chỉ số Nikkei 225 tăng 28% nhờ tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào và hoạt động mua lại cổ phiếu của các công ty Nhật Bản. Dòng tiền tư nhân đã đẩy giá cổ phiếu lên cao ngay cả khi sự hiện diện của BoJ với tư cách là người mua giảm sút.
Việc hỗ trợ giá cổ phiếu thường không phải là chính sách của các ngân hàng trung ương lớn. Việc dỡ bỏ cách làm này sẽ làm giảm sự “bóp méo” giá cổ phiếu và giúp khôi phục các chức năng thị trường ở Nhật Bản.
BoJ được cho là đã chuyển sang bán ròng cổ phiếu vào năm 2023, khi doanh số bán cổ phiếu trước đây được mua từ các ngân hàng như một phần của các biện pháp ổn định hệ thống tài chính có khả năng vượt xa lượng mua của ETF, vốn đã giảm đáng kể do sự ổn định của giá cổ phiếu.
Việc mua ETF nhằm mục đích giảm bớt áp lực giảm giá tài sản và ngăn chặn sự suy giảm tâm lý thị trường. Từ năm 2017 đến năm 2020, theo chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của BoJ, số tiền mua vào cổ phiếu đã tăng vọt từ 4.000 tỷ yen (27,8 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại) lên đến 7.000 tỷ yen mỗi năm.
Sự sụt giảm trở nên đáng chú ý vào mùa Xuân năm 2021, khi chính sách của BoJ được sửa đổi nhằm hạn chế mua vào trong những ngày giá cổ phiếu giảm mạnh. BoJ đang tiến tới bãi bỏ chính sách này theo kế hoạch 10 năm từ năm tài chính 2016 đến năm tài chính 2025.
Số tiền thực tế mà BoJ có từ việc nắm giữ cổ phiếu vào cuối năm tài chính 2022 (kết thúc vào tháng 3/2023) được công bố là khoảng 960 tỷ yen, còn lại khoảng 320 tỷ yen mỗi năm sẽ được bán trong ba năm cuối cùng của kế hoạch.
Do môi trường thị trường chứng khoán vẫn thuận lợi ngay cả sau khi BoJ trở thành bên bán vào năm 2023, nên những ưu và nhược điểm của việc tiếp tục chính sách mua ETF có thể sẽ bị đặt dấu hỏi. Các chuyên gia đang chia rẽ về cách đánh giá chính sách này.
Ông Shingo Ide, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu NLI, cho biết: “Nếu cổ phiếu được hỗ trợ bởi hoạt động mua vào cổ phiếu, các nhà quản lý sẽ khó nhận ra các vấn đề cơ bản mà doanh nghiệp phải đối mặt và điều đó cũng tước đi cơ hội quản lý tài sản của các tổ chức đầu tư và bán lẻ”.
Việc mua ETF có thể tăng trở lại nếu thị trường có biến động đáng kể, nhưng Thống đốc BoJ Kazuo Ueda đã chỉ ra rằng ngân hàng này sẵn sàng chấm dứt chính sách này khi không còn lo ngại rằng thị trường sẽ trở nên bất ổn đáng kể và phí bảo hiểm rủi ro sẽ tăng quá mức.