Thời điểm hiện tại, vấn đề tỷ giá là một rủi ro cần lưu ý, nhưng ở chiều ngược lại thị trường chứng khoán đang được hỗ trợ khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I năm 2024 đã bắt đầu.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giao dịch nhiều sóng gió. VN-Index trong tuần giao dịch này có 4 phiên rung lắc liên tục ở vùng hỗ trợ quanh 1.245 điểm với thanh khoản suy giảm. Tuy nhiên phiên cuối tuần (12/4), thanh khoản trở lại mốc tỷ USD, giúp chỉ số vượt lên vùng giá cao nhất năm 2023. Trước những diễn biến thị trường, giới phân tích nhìn nhận, thị trường chứng khoán đang chịu tác động từ 2 luồng thông tin trái chiều.
* Rủi ro cần lưu ý
Chuyên gia phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect) cho biết, thị trường chứng khoán đang chịu tác động từ 2 luồng thông tin trái chiều. Cụ thể, lạm phát tháng 3 tại Mỹ tăng vượt dự báo đã làm thị trường lo ngại về kịch bản Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì lãi suất điều hành lâu hơn nữa. Hiện tại, thị trường cho rằng đợt cắt giảm lãi suất điều hành sớm nhất của Fed sẽ rời sang quý III thay vì kỳ vọng trước đó là vào tháng 6. Đồng thời, thị trường cũng giảm kỳ vọng số đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Fed trong năm 2024 về 1 hoặc 2 lần thay vì kỳ vọng 3 lần trước đó.
Thị trường chứng khoán đang chịu tác động từ 2 luồng thông tin trái chiều. Ảnh: TTXVN
Có thể thấy rằng xác suất một số ngân hàng trung ương lớn (tiêu biểu là Ngân hàng Trung ương châu Âu – ECB) cắt giảm lãi suất sớm hơn Fed đang tăng lên. Điều này sẽ khiến chỉ số USD Index (DXY) tiếp tục duy trì sức mạnh trong những tháng tới, qua đó tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá trong nước.
Ngoài ra, giá vàng quốc tế lẫn trong nước vẫn duy trì đà tăng cũng làm tăng thêm áp lực lên tỷ giá. Rõ ràng ở thời điểm hiện tại, vấn đề tỷ giá là một rủi ro cần lưu ý của thị trường. Tuy vậy, ở chiều ngược lại thị trường chứng khoán đang được hỗ trợ khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I năm 2024 đã bắt đầu.
Nhiều dự báo cho thấy tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết sẽ khá tích cực trong quý I năm nay do nền kinh tế phục hồi, lãi suất giảm và mức nền thấp của cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, một số ngân hàng thương mại đã có ước kết quả kinh doanh quý I này với tăng trưởng khá tích cực. Việc nhóm cổ phiếu trụ có thông tin hỗ trợ sẽ góp phần cải thiện tâm lý của thị trường.
“Trong bối cảnh thị trường đang có 2 luồng thông tin trái chiều, nhiều khả năng các chỉ số chứng khoán sẽ giằng co trong biên độ hẹp trước khi một xu thế mới được xác lập. Hiện hỗ trợ của VN-Index nằm trong vùng 1.230-1.250 điểm và vùng kháng cự sẽ trong khoảng 1.290-1.310 điểm”, VNDirect nhận định
Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho biết, trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 94.837,79 tỷ đồng, giảm 25,4% so với tuần trước và ở dưới mức trung bình. Nhà đầu tư đang bắt đầu giai đoạn đánh giá các kế hoạch kinh doanh mới của doanh nghiệp trong năm 2024 khi nhiều công ty đang tổ chức đại hội cổ đông 2024, cũng như đón chờ thông tin kết quả kinh doanh quý I/2024.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên HOSE, mức độ bán ròng giảm so với tuần trước với giá trị 1.164 tỷ đồng trên HOSE. Đây là chuỗi bán ròng đột biến liên tiếp của khối ngoại trên HOSE. Trong khi đó, khối ngoại mua ròng khá tích cực trên HNX với giá trị 202,24 tỷ đồng.
Thị trường đón nhận nhiều thông tin trong tuần như: Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên lãi suất, nhưng để ngỏ khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ khi lạm phát đã chậm lại. Chỉ số CPI Mỹ đã tăng 0,4% trong tháng 3 và cao hơn 3,5% so với một năm trước. CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng đã tăng 3,8% so với cùng kỳ và tăng 0,4% so với tháng 2, cao hơn dự đoán cho thấy lạm phát vẫn ở mức cao và có khả năng khiến Fed phải giữ nguyên lãi suất.
Trong tuần nhóm cổ phiếu ngân hàng sau giai đoạn chịu áp lực điều chỉnh tích lũy từ đầu tháng 3/2024 đã có phản ứng khá tích cực. Các mã ngân hàng như VAB tăng 20%, LBP tăng 14,33%, CTG tăng 8,13%, BID tăng 6,37%…
Các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng có diễn biến rất nổi bật, có thể kể đến các mã CTS tăng 12,5%, FTS tăng 5,67%, AGR tăng 5,61%, SHS tăng 5,05%…
Các cổ phiếu nhóm đầu tư công, xây dựng, vật liệu xây dựng có diễn biến phân hóa rất mạnh khi nhiều mã tăng giá nổi bật, với BMP tăng 7,41%, DPG tăng 7,10%, PC1 tăng 1,08%… Trong khi nhiều mã chịu áp lực điều chỉnh mạnh như TV2 giảm 8,50%, DHA giảm 3,03%, C4G giảm 2,65%…
Các cổ phiếu bất động sản tăng giảm đan xen. Ở chiều giảm giá có DRH giảm 8,33%, HAR giảm 8,15%, FIR giảm 6,54%, NBB giảm 4,92%… Ở chiều giá tăng có QCG tăng 17,07%, NHA tăng 6,45%, VHM tăng 3,61%…
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng có diễn biến tương tự. Ở chiều tăng giá có POS tăng 14,29%, PVP tăng 5,26%, VTO tăng 2,79%, PVS tăng 1,09%… Trong khi đó, các mã điều chỉnh mạnh như PSH giảm 28,49%, PTV giảm 11,76%, PGS giảm 5%…
Chốt tuần giao dịch từ 8 – 12/4, VN-Index tăng 1,7% lên 1.276,6 điểm, HNX tăng 0,7% lên 241,34 điểm và UPCOM tăng 0,6% lên 90,21 điểm.
Chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (CSI) cho biết, thanh khoản tuần qua ở mức thấp cho thấy tâm lý giao dịch khá thận trọng của nhà đầu tư. Mặc dù tăng mạnh về điểm số, nhưng thanh khoản lại là điểm nhấn đáng quan tâm trong tuần qua khi ở mức thấp nhất trong 7 tuần gần nhất và sụt giảm 8,6% so với mức trung bình 20 tuần.
Trong 5 phiên giao dịch tuần qua đều có khối lượng giao địch thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 20 phiên, cho thấy dù tăng mạnh về điểm số nhưng đà tăng chưa được sự xác nhận. Vì vậy, tín hiệu đảo chiều xu hướng vẫn chưa được rõ ràng và vẫn còn nhiều rủi ro cho vị thế mua.
CSI cho rằng, trong bối cảnh tin xấu đang áp đảo, chứng trường Việt vẫn có phiên tăng mạnh nên khả năng quán tính tăng điểm có thể được duy trì trong các phiên của tuần sau, nhưng khả năng cao nhịp tăng khó kéo dài.
Thực tế nhận định của CSI được đưa ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới tuần qua đi xuống.
*Chứng khoán Mỹ có phiên bán tháo
Thị trường chứng khoán Mỹ đã chứng kiến một phiên bán tháo ngày 12/4, khi những lo ngại về lạm phát và địa chính trị một lần nữa đè nặng lên tâm lý của giới đầu tư.
Khép lại phiên này, chỉ số Dow Jones giảm 475,84 điểm, hay 1,24%, xuống 37.983,24 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 1,46% xuống 5.123,41 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 1,62% xuống 16.175,09 điểm.
Tính chung trong tuần này, chỉ số S&P 500 giảm 1,56%, chỉ số Dow Jones giảm 2,37% và chỉ số Nasdaq giảm 0,45%.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau khi căng thẳng ở Trung Đông có những diễn biến leo thang mới. Trước đó, thị trường cũng đã giảm mạnh sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Ba của Mỹ được công bố ngày 10/4 cao hơn dự đoán.
Báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho hay, chỉ số CPI của Mỹ trong tháng Ba vừa qua tăng 0,4%, sau mức tăng tương tự hồi tháng 2/2024. Tính trong 12 tháng qua, CPI của Mỹ trong tháng Ba tăng 3,5%, cách khá xa so với mục tiêu lạm phát mà Fed đặt ra là 2%.
Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams cho rằng không quá cần thiết phải sớm điều chỉnh chính sách tiền tệ, trong khi Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond Thomas Barkin cho biết Fed vẫn chưa tự tin rằng áp lực giá cả sẽ tiếp tục dịu xuống.
Ông Ryan Detrick, chiến lược gia hàng đầu về thị trường tại công ty tư vấn tài chính Carson Group ở Omaha, nhận định dữ liệu lạm phát đã thúc đẩy hoạt động bán cổ phiếu, khi nhà đầu tư giảm bớt hy vọng không chỉ về thời điểm của đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên, mà còn về cả số lần hạ lãi suất trong năm nay.
Biên bản cuộc họp chính sách tháng Ba của Fed đã phản ánh mối lo ngại của ngân hàng này về khả năng tiến trình đưa lạm phát về mục tiêu có thể bị đình trệ và chính sách tiền tệ sẽ cần được duy trì lâu hơn dự kiến.