Chứng khoán Mỹ ghi nhận đà tăng bất chấp phiên cuối tuần “đỏ sàn”

Tính chung cả tuần qua trên thị trường chứng khoán Mỹ, S&P 500 tăng 2,6% và Nasdaq Composite tăng 3,3% – cả hai chỉ số đều ghi nhận tuần bứt phá mạnh nhất kể từ tháng Ba.

Hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán New York (Mỹ) ngày 13/3/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)
Trái ngược với diễn biến tích cực vào đầu tuần, thị trường chứng khoán Mỹ lại “đỏ sàn” trong phiên giao dịch cuối tuần này.

Tuy nhiên, đà tăng liên tiếp trước đó vẫn giúp Phố Wall ghi nhận một tuần giao dịch đi lên, giữa bối cảnh nhà đầu tư nhận được quyết định ngừng nâng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và số liệu lạm phát đáng khích lệ.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng điểm trong hai phiên giao dịch đầu tuần này (12-13/6), sau số liệu cho thấy lạm phát của Mỹ tiếp tục chậm lại trong tháng 5/2023 và hy vọng về việc Fed dừng tăng lãi suất.

Tới nay, Fed đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp trong nỗ lực chống lại lạm phát tăng cao. Các nhà đầu tư lo ngại rằng chi phí đi vay cao hơn sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Fed cũng đã xem xét một chỉ số quan trọng từ báo cáo ngày 13/6 của Bộ Lao động Mỹ là lạm phát cơ bản, không tính giá lương thực và năng lượng dễ biến động, tăng 5,3% trong 12 tháng qua.

Nhà phân tích Patrick O’Hare của Briefing.com cho biết tỷ lệ lạm phát của Mỹ đang đi đúng hướng. Tuy vậy, lạm phát cơ bản nói riêng vẫn được Fed cho là “quá cao,” do đó triển vọng ngân hàng này tăng lãi suất vào tháng 7/2023 vẫn đang được giữ.

[Fed giữ nguyên lãi suất, chứng khoán Mỹ lập tức đi xuống]

Tuy nhiên, Phố Wall biến động ngược chiều trong các phiên giao dịch liền sau đó, ngay cả khi Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp ngày 14/6, do ngân hàng này vẫn phát đi tín hiệu trong các dự báo kinh tế mới rằng lãi suất có thể tăng thêm 0,5 điểm phần trăm trước cuối năm nay.

Theo công cụ Fedwatch của CME, giới giao dịch đang dự đoán xác suất Fed tăng lãi suất tại cuộc họp lần tới vào tháng Bảy là 63%, cao hơn mức 60% trước đó.

Thêm vào đó, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm cũng tác động tiêu cực tới tâm lý của giới đầu tư. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết ngân hàng trung ương “chưa hoàn thành” cuộc chiến giảm lạm phát.

Bà Lagarde nói rằng trừ khi có sự thay đổi quan trọng trong nhận định cơ bản của ECB, ngân hàng trung ương này sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo vào tháng Bảy tới.

Lạm phát của khối Eurozone đã giảm xuống còn 6,1% trong tháng Năm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn ba lần so với mục tiêu 2% của ECB.

Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 16/6, cả ba chỉ số chủ chốt của Phố Wall đồng loạt đi xuống, khép lại một tuần đáng chú ý của thị trường chứng khoán Mỹ.

Kết thúc phiên này, chỉ số S&P 500 giảm 0,37%, xuống còn 4.409,59 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 108,94 điểm, tương ứng 0,32% và đóng cửa ở mức 34.299,12 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 0,68% và khép phiên ở mức 13.689,57 điểm.

Tính chung cả tuần qua, chỉ số S&P 500 tăng 2,6%, ghi nhận tuần bứt phá mạnh nhất kể từ tháng 3/2023. Đây cũng là tuần tăng điểm thứ năm liên tiếp của chỉ số này, đánh dấu chuỗi leo dốc đầu tiên như vậy kể từ tháng 11/2021.

Chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 3,3% trong tuần, ghi nhận tuần tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 3/2023, đồng thời cũng là tuần khởi sắc thứ 8 liên tiếp của chỉ số này, đợt tăng điểm tốt nhất kể từ năm 2019.

Hiện hai chỉ số này đều đã chạm các mức cao nhất kể từ tháng 4/2022. Trong khi đó, với mức tăng 1,3% trong cả tuần qua, Dow Jones cũng đánh dấu ba tuần đi lên liên tiếp.

Ngày 16/6 cũng đánh dấu phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ cuối tuần dài hơn thường lệ của thị trường chứng khoán Mỹ. Thị trường sẽ đóng cửa vào ngày thứ Hai (19/6) nhân Ngày lễ Tự do (Juneteenth)./.

Theo: vietnamplus.vn
Spread the love
Back To Top