Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam

7 tháng đầu năm 2023, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam với 853 triệu USD, đứng sau là Trung Quốc và Nhật Bản.

Theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu thủy sản đạt 4,9 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước (YoY).

Tất cả các mặt hàng thủy sản đều có trị giá giảm so với cùng kỳ năm trước. Cá tra là mặt hàng giảm lớn nhất với -37% YoY, đạt 1 tỷ USD. Trung Quốc & Hong Kong là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam (duy trì từ năm 2020 đến này), tính riêng lũy kế đến 15/7 đã đạt 301 triệu USD, chiếm 32% tỷ trọng. Trong bối cảnh sụt giảm nhập khẩu cá tra từ các thị trường, Trung Quốc & Hong Kong ghi nhận tín hiệu tích cực khi mức sụt giảm đang dần thu hẹp (tháng 4 giảm 60% về trị giá, tháng 5 còn -30%, tháng 6 còn -15%).

Đối với mặt hàng tôm, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2023 đạt 1,9 tỷ USD, giảm 30% YoY. Mỹ và Trung Quốc & Hong Kong tiếp tục là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, tôm Việt xuất khẩu sang Mỹ ghi nhận giảm tới 38% YoY (đạt 299 triệu USD), sang Trung Quốc giảm 19% (đạt 239 triệu USD).

Các mặt hàng còn lại như cá ngừ giảm 28% YoY, còn đạt 458 triệu USD; mực và bạch tuộc giảm 16%, đạt 350 triệu USD; cua, ghẹ và giáp xác khác giảm 24%, còn 90 triệu USD.

6 tháng đầu năm 2023 Trung Quốc & Hong Kong là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với 716 triệu USD, Nhật Bản đứng thứ 2 với 713 triệu USD, Mỹ đứng thứ 3 với 706 triệu USD.

Tuy nhiên, với kết quả tháng 7, Mỹ đã vượt Trung Quốc (đạt 845 triệu USD) và Nhật Bản (837 triệu USD) để trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với 853 triệu USD trong 7 tháng đầu năm 2023.

Dù vậy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ vẫn đang ghi nhận giảm sâu với -42% YoY, trong khi đó Trung Quốc & Hong Kong giảm 19%, Nhật Bản giảm 12%.

Kịch bản nào cho xuất khẩu thủy sản các tháng cuối năm 2023

VASEP hồi đầu tháng 8/2023 dự báo sẽ có 2 kịch bản xuất khẩu thủy sản trong nửa cuối năm nay. Ở kịch bản thuận lợi, xuất khẩu thủy sản 5 tháng cuối năm có thể đạt 4 tỷ USD, đưa kim ngạch cả năm đạt hơn 9 tỷ USD.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm có thể đạt 3,5 – 3,6 tỷ USD, giảm 16-18%; cá tra đạt 1,7 – 1,8 tỷ USD, giảm 28%. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc sẽ giảm khoảng 14-15%, lần lượt đạt 870 triệu USD và 650 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu cá biển ước đạt 1,9 – 2 tỷ USD, giảm nhẹ so với năm 2022.

Các thị trường xuất khẩu chính vẫn sẽ mang về doanh thu ít hơn so với năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ và Hàn Quốc sẽ giảm hơn 24 – 25% so với năm 2022, sang EU giảm 18%.

Thị trường Nhật Bản sẽ khả quan hơn nhờ giá trị của hàng giá trị gia tăng và nhờ phân khúc gia công, chế biến cho thị trường này, nhất là các loài cá biển.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc có thể giữ nguyên mức năm 2022 với khoảng 1,8 tỷ USD. VASEP kỳ vọng nửa cuối năm 2023, kinh tế quốc gia này sẽ ổn định hơn, thu nhập và tiêu dùng của người dân tăng dần, thị trường thích nghi bối cảnh mới…

Ở kịch bản kém lạc quan hơn, VASEP cho rằng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 5 tháng cuối năm có thể đạt khoảng 3,5 – 3,7 tỷ USD. Kết quả này sẽ kéo tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2023 đạt khoảng 8,5 – 8,7 tỷ USD.

Trong đó, sụt giảm sâu nhất là ngành hàng cá tra và tôm. Tình hình xuất khẩu hải sản có thể sẽ xấu hơn nếu kết quả thanh tra chương trình chống khai thác IUU của đoàn thanh tra EU vào tháng 10 tới không đạt được kỳ vọng tháo gỡ thẻ vàng.

Theo: Mekongasean.vn
Spread the love
Back To Top