Tìm hướng xuất khẩu bền vững cho HTX

Đang đến mùa thu hoạch nhiều loại trái cây trên khắp cả nước nhưng xuất khẩu rau quả vẫn tăng trưởng, giá các loại trái cây về cơ bản khá ổn định, mang lại niềm vui cho nông dân, HTX. Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức cho những HTX muốn vươn mình ra biển lớn.

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, trong ba tuần của tháng 6, kim ngạch rau quả đã đạt 723 triệu USD, tăng hơn 79% so với cùng kỳ 2022. Dự báo đến hết tháng 6, xuất khẩu rau quả có thể đạt tới 3 tỷ USD, tương đương giá trị xuất khẩu của cả năm 2022 gần 3,2 tỷ USD.

Nhiều triển vọng

Hòa chung trong niềm vui xuất khẩu, HTX sản xuất tiêu thụ vải Phúc Hòa (Bắc Giang) đang làm đầu mối tiêu thụ trên 10.000 tấn vải cho người dân để phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc với giá 20.000-25.000 đồng/kg. Nếu tính trung bình mức giá 20.000-21.000 đồng/kg, lợi nhuận của thành viên sẽ đạt khoảng 200 triệu đồng/ha.

Còn theo ông Nguyễn Trung Quí, Giám đốc HTX thanh long sạch Nông Thịnh Phát (Tiền Giang), giá thanh long hiện ổn định từ 14.000-20.000 đồng/kg (tùy theo loại), đơn hàng cũng tăng 30-40% so với vụ trước nên thành viên và nông dân khá phấn khởi. Điều này là do thị trường tiêu thụ ổn định, thanh long xuất khẩu đi nhiều quốc gia.

Nhìn nhận về thị trường, các HTX đánh giá, năm nay xuất khẩu nhiều loại trái cây, rau củ quả sang hầu hết các thị trường đều tương đối thuận lợi. Trong đó, các HTX xuất đi nhiều nhất vẫn là thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX cây ăn trái Nông Thành Phát (Bình Phước) cho biết một điểm thuận lợi là hiện nay, thị trường Trung Quốc đang mở cửa, năng lực thu mua cao hơn so với năm trước. Đặc biệt, khi cung ứng nông sản phục vụ xuất khẩu, thành viên HTX sẽ nhận tiền ngay thay vì đợi ít nhất một tháng khi đưa vào chuỗi cung ứng trong nước. Chính vì vậy mà thành viên, người dân hiện tập trung cho xuất khẩu cao độ, nhất là những vườn đã đạt mã vùng trồng.

Thực trạng xuất khẩu hiện nay cho thấy nông dân, HTX đang có nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển sản xuất. Nhất là trong thời gian gần đây, các thông tin từ các thị trường nhập khẩu đều khá thuận lợi, tích cực, từ đó tạo lợi thế cho xuất khẩu nông sản.

Ngay như mặt hàng vải thiều, dù đang vào thời điểm chính vụ nhưng nhiều HTX vẫn liên kết được với doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ… Đặc biệt, vải thiều không hạt của Việt Nam hiện được xuất khẩu sang Anh, Nhật Bản với giá bán lẻ lên khoảng 800.000 đồng/kg khiến nhiều nông dân, HTX phấn khởi bởi nhìn thấy tương lai của loại nông sản này.

Sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được lựa chọn rất kỹ nên nông dân, HTX cần học cách phân loại nông sản để có hướng bán hàng phù hợp.

Theo các chuyên gia, triển vọng xuất khẩu rau củ quả từ nay đến cuối năm vẫn sáng khi nông sản của HTX, doanh nghiệp đã từng bước đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng. Đặc biệt, nhiều loại nông sản của Việt Nam có mùi vị, hương thơm đặc trưng nên được nhiều nước săn đón.

Ngay như vải thiều được nhiều nhà nhập khẩu đánh giá và nhận xét là ngon, ngọt, thơm hơn vải đã được trồng ở Trung Quốc hay một số nước châu Phi. Sầu riêng Việt Nam cũng được đánh giá là có hương thơm và mùi vị đặc trưng so với sầu Thái, Trung Quốc. Ngay việc Trung Quốc trồng được thanh long nhưng thổ nhưỡng, khí hậu của nước này không thích hợp nên chất lượng thanh long cũng không được đánh giá cao bằng thanh long Việt Nam.

Bỏ dần lối bán hàng “đổ đống”

Dù thị trường xuất khẩu vẫn đang có nhiều cửa sáng, nhưng để xuất khẩu được bền vững vẫn còn những đòi hỏi nhất định từ thị trường, buộc người dân, HTX, doanh nghiệp phải vượt qua.

Một điều dễ nhìn thấy tại các vùng sản xuất hay các vựa nông sản là nông dân, HTX hiện nay đã chú trọng sản xuất tập trung, quy mô lớn nhưng phần lớn nông dân, HTX đang bán hàng ra thị trường theo hình thức là làm việc với doanh nghiệp, đơn vị thu mua hoặc thương lái, sau đó bán đổ hàng tại vườn cho người mua đến hái và vận chuyển đi tiêu thụ, xuất khẩu.

Bán tại vườn và bán cả vườn cho người mua có điểm thuận lợi là tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc. Người dân, HTX cũng có thể thu về một món tiền lớn liền một lúc, nhưng nhược điểm là nông sản bán ra theo kiểu “đổ đống”, không được phân loại. Thậm chí người dân, HTX tuy là người bán hàng nhưng không biết rõ nông sản của mình đến được đâu, đi theo con đường nào để đến tới người tiêu dùng cuối cùng.

Bà Nguyễn Thị Lê, chủ một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc cho biết, chính vì bán đổ cả vườn nên đơn vị của bà nhiều khi gặp phải tình trạng sầu không đạt chất lượng, đặc biệt là sầu non. Trong khi sầu riêng là do người dân, HTX trồng ra nên họ mới chính là người hiểu sầu khi nào thì mới được thu hoạch, khi nào chưa.

Bên cạnh đó, bà Lê cũng chia sẻ có tình trạng từ khi đưa sầu riêng lên xe đến khi xe cập cửa khẩu Trung Quốc là 5 ngày. Và dù trên xe có hệ thống làm lạnh, có hệ thống cảm biến báo nhiệt độ nhưng khi dỡ hàng thì nhiều quả đã nứt vỏ, nở bung, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Chính vì vậy, lời khuyên đưa ra đó chính là nông dân phải học cách bán hàng, trong đó có cách phân loại nông sản. Khi biết cách phân loại nông sản, họ cũng sẽ biết đường đi của nông sản mình làm ra trên thị trường. Chẳng hạn, HTX có thể phân ra nhiều loại nông sản. Nông sản loại 1 sẽ được ưu tiên xuất khẩu sang thị trường cao cấp, loại 2 xuất khẩu sang thị trường trung bình, không khắt khe lắm hoặc tiêu dùng nội địa; loại 3 không cần mẫu mã đẹp nhưng chất lượng bảo đảm được dùng để chế biến, đóng hộp… Khi phân loại được nông sản, cũng có nghĩa người nông dân, thành viên đã có ý thức cao trong sản xuất và từng ngành hàng nông sản sẽ dễ phát triển và đi theo hướng bền vững, ổn định hơn.

Ngoài ra, vấn đề được bàn đi bàn lại nhiều lần đó chính là chi phí logistics ăn mòn lợi nhuận của HTX, doanh nghiệp. Nhiều HTX ở Bắc Giang hiện nay đã liên kết với doanh nghiệp để chế biến trà vải, nến thơm từ quả vải, bánh mì, bánh ngọt từ vải… nhưng theo các HTX số lượng chế biến cũng còn hạn chế. Chính vì vậy, xuất tươi vẫn là giải pháp tối ưu.

Tuy nhiên, để xuất khẩu được sang Mỹ, HTX phải chuyển vải từ Bắc Giang lên sân bay Nội Bài (Hà Nội) rồi vào TP HCM đóng gói, chiếu xạ sau đó tiếp tục vận chuyển ra điểm xuất khẩu. Như vậy, một quả vải phải trải qua rất nhiều cung đường kéo theo sự gia tăng chi phí. Đó là chưa kể để nông sản tươi, HTX, doanh nghiệp phải xuất khẩu bằng máy bay nhưng chi phí lại cao hơn đi đường thủy.

Bà Phan Thị Lý, chủ doanh nghiệp thu mua sầu riêng ở Bình Phước, cho rằng, một quả sầu riêng Ri6 tại vựa mà giá hàng loại 1 xuất khẩu đã 90.000 -100.000 đồng/kg. Chỉ cần vận chuyển đường hàng không về Hà Nội thì chi phí ít cũng cộng thêm 40.000 đồng/kg, chưa tính xuất khẩu chắc chắn phí sẽ cao hơn. Điều này cho thấy, nếu xuất khẩu bằng đường hàng không thì giá sầu sẽ rất cao vì bù vào giá vận chuyển. Còn giá thấp, thì không thể là hàng loại 1.

Theo các chuyên gia, cần nhìn vào lợi thế thổ nhưỡng ở Việt Nam đã tạo ra được những nông sản đặc trưng về hương vị, chất lượng để có hướng đi cụ thể. Trong đó nâng cao chất lượng, đầu tư cho bảo quản phù hợp với quy mô của HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ giúp gia tăng thời gian “ngủ đông” và nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt. Đây cũng sẽ là những bước đi cần thiết để xây dựng thương hiệu quốc gia cho trái cây, từ đó nâng giá trị gia tăng và lợi nhuận cho nông dân, thành viên HTX.

Theo: VNBUSINESS
Spread the love
Back To Top