Dù một số dự báo cho rằng Chính phủ Ấn Độ có thể sớm dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sau quá trình thu mua lúa gạo, nhưng cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn là rất lớn.
Ấn Độ có thể sớm dỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo
Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), giá gạo thế giới trong tháng 7 đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái tới 19,7%, tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2011. Nguyên nhân được cho là lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường của Ấn Độ vào ngày 20/7 nhằm kìm hãm lạm phát lương thực trong nước.
Thực tế, cấm xuất khẩu gạo là động thái thắt chặt tiếp theo kể từ tháng 09/2022 của Ấn Độ khi quốc gia này cấm xuất khẩu toàn bộ gạo tấm và áp thuế 20% lên gạo trắng. Với vai trò là đối tác xuất khẩu lớn nhất thế giới, cung cấp cho hơn 100 quốc gia như Trung Quốc, Senegal và Bờ Biển Ngà…, động thái mới từ Ấn Độ đã gây áp lực lên nguồn cung và đẩy giá gạo lên một nền cao mới như diễn biến năm trước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty chế biến và xuất khẩu gạo Ấn Độ Khushi Ram Behari Lal Limited, lượng mưa tại nước này đến nay đã đủ và diện tích gieo mạ cho vụ kharif (vụ hè thu) của nước này đã vượt năm ngoái. Do đó, Chính phủ Ấn Độ có thể sớm dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng (không thuộc giống basmati).
Ông V Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cũng cho rằng, Chính phủ Ấn Độ sẽ đánh giá thực tế tình hình nguồn cung gạo cho tới tháng 12 sau khi quá trình thu mua lúa gạo bắt đầu. Từ đó, lệnh cấm vận chuyển gạo trắng có thể được dỡ bỏ.
Các tổ chức quốc tế như FAO và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thúc giục Ấn Độ dỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trắng do việc này đã đẩy giá gạo toàn cầu tăng mạnh.
Bên cạnh đó, FAO cũng nhấn mạnh đến lo ngại về tác động tiềm ẩn của El Nino càng khiến giá cả tăng lên. Hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này được dự báo gia tăng trong các tháng cuối năm, có thể làm trầm trọng thêm rủi ro đối với sản xuất gạo tại các vựa lúa gạo hàng đầu châu Á như Thái Lan, Pakistan và Việt Nam.
Gạo Việt trước cơ hội xuất khẩu nhiều thị trường
Thực tế, với việc chiếm hơn 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, quyết định của Chính phủ Ấn Độ đã tác động mạnh đến thị trường lương thực toàn cầu. Dù một số ý kiến cho rằng nước này có thể sẽ sớm dỡ lệnh cấm xuất khẩu, tuy nhiên, thời gian thực tế vẫn chưa thể chắc chắn.
Trong khi đó, đối với các nước xuất khẩu lớn thứ hai và thứ ba thế giới là Thái Lan, Việt Nam, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu đã thúc đẩy giá gạo hai nước tăng lên mức cao nhất 15 năm trở lại đây.
Dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, trong ngày 11/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu đã đạt mốc mới 638 USD/tấn, gạo 25% tấm cũng đạt 618 USD/tấn, tăng trên 100 USD/tấn với mỗi loại so với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo. Còn ở Thái Lan, gạo 5% tấm có giá 651 USD/tấn và gạo 25% tấm là 587 USD/tấm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự tính, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 ước hơn 7 triệu tấn, tương đương 14 triệu tấn thóc. Từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng lúa sẽ bảo đảm kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cũng đánh giá, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ xu hướng thắt chặt nguồn cung lúa gạo, đặc biệt từ hai quốc gia là đối tác nhập khẩu chính của Việt Nam.
Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 1,7 triệu tấn gạo sang Philippines, tương đương 40,1% tổng sản lượng xuất khẩu trong giai đoạn này.
Philippines dự kiến sẽ gia tăng lượng nhập khẩu để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong năm và bù đắp lượng thâm hụt trong kho dự trữ. Trong 2023, nước này sẽ nâng hạn ngạch nhập khẩu cho Cơ quan Lương thực Quốc gia lên mức 2 triệu tấn. Vào đầu tháng 6, trữ lượng tại cơ quan này chỉ đạt khoảng 560.000 tấn. Trong phần còn lại của năm 2023 và sang năm 2024, TPS dự kiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu gạo của Philippines sẽ tiếp tục gia tăng.
Tại Trung Quốc, mặc dù nước này dự kiến sẽ giảm sản lượng nhập khẩu khoảng 22% so với 2022 xuống còn 4,8 triệu tấn, nhưng vẫn duy trì vị thế là nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc là đơn vị nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với sản lượng 677.400 tấn và chiếm trên 16% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
TPS đánh giá triển vọng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc là tương đối khởi sắc trở lại khi nước này dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt và mở cửa trở lại nền kinh tế sau gần 3 năm đóng cửa chống dịch Covid.
Bên cạnh những thị trường lớn truyền thống, gạo Việt cũng đang đứng trước cơ hội mở rộng tại các thị trường tiềm năng khác.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, có hơn 5,5 triệu người gốc Á có nhu cầu tiêu dùng gạo tại Anh, nhưng nước này không trồng lúa nên phần lớn là nhập khẩu. Việc Ấn Độ chiếm 27% lượng gạo nhập khẩu của Anh dừng xuất khẩu, Anh ước tính sẽ thiếu hụt khoảng 75.000 tấn gạo trong nửa cuối năm.
Năm 2022, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 14 vào Anh với hơn 3.399 tấn gạo, tăng 24,5% so năm 2021 nhưng vẫn ở mức thấp. Do đó, đây là cơ hội giúp gạo Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.
Thương vụ Việt Nam tại Anh cũng kiến nghị Bộ Công Thương khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ký kết các hợp đồng cung ứng dài hạn trên cơ sở cân đối giữa an ninh lương thực trong nước với nhu cầu xuất khẩu. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng tín dụng cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo phục vụ xuất khẩu.
Tại hội chợ Speciality Fine Food Fair London vào ngày 11 – 12/9/2023 tới, Thương vụ Việt Nam tại Anh đang chuẩn bị để quảng bá đặc sản Việt Nam, trong đó có sản phẩm gạo ST25 nhằm góp phần đưa thương hiệu gạo Việt đến gần hơn với người tiêu dùng nước này.
Ngoài ra, một số thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia, Đài Loan… cũng tăng trưởng mạnh nhập khẩu gạo chất lượng cao Việt Nam. Một số thị trường tăng trưởng tới 3 – 4 con số trong nửa đầu năm như: Chile tăng 4.083%, Senegal tăng 1.034%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 5.562%, Ba Lan tăng 144,2%, Bỉ tăng 210,2%…, cho thấy gạo Việt Nam đang có những bước tiến tích cực vào các thị trường này.