“Ẩn họa” khi giao ảnh cho AI xử lý thành ảnh hoạt hình (anime)

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội rộ lên việc chia sẻ ảnh chụp của cá nhân lên ứng dụng dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ảnh hoạt hình mang tính giải trí. Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo những rủi ro về dữ liệu cá nhân.

Loopsie – ứng dụng trên thiết bị di động có khả năng tạo ảnh hoạt hình (anime) từ dữ liệu ảnh của người dùng nhập vào đang “gây sốt” cộng đồng những ngày qua.

Phần mềm vẽ tranh bằng AI nhanh chóng được người dùng giới thiệu cho nhau và đạt Top 1 chương trình miễn phí tải về trên App Store vùng Việt Nam chỉ sau thời gian ngắn.

Chú thích ảnh
Một ảnh hoạt hình sau khi dùng trí tuệ nhân tạo xử lý. 

Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật của Công ty công nghệ an ninh mạng Việt Nam (NCS) cho biết: Nếu nhìn kỹ thì những bức ảnh anime này không hẳn là giống ảnh gốc, một số tình huống AI xử lý sai, nhận nhầm vật thể. Tuy nhiên người dùng vẫn chấp nhận và nhanh chóng trở thành trào lưu cũng vì coi đây chỉ là giải trí. Kỹ thuật tạo ảnh bằng AI không mới, thay vì mô tả cho AI biết mình cần bức ảnh thể hiện cái gì, khung cảnh ra sao thì những nhà sáng tạo đã cho phép up một ảnh gốc lên để AI tự tìm đề bài rồi tự ra lời giải.

Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, ra đời từ năm 2018, ứng dụng Loopsie ít được biết tới nhưng gần đây, sau khi nhà phát triển cập nhật tính năng sử dụng AI chuyên về tái tạo hình ảnh thì phần mềm này “gây sốt”. Một lý do khác khiến Loopsie phổ biến là tính tiện dụng khi người dùng có thể thao tác ngay trên điện thoại và chỉ mất khoảng 15 – 20 giây để chương trình hoàn thành một tấm ảnh hoạt hình từ nội dung gốc.

Bên cạnh mục tiêu giải trí, nhiều người không quan tâm cung cấp ảnh cho ứng dụng dùng AI để dùng mục đích gì.

Ông Vũ Ngọc Sơn cho biết: Các bức ảnh chụp bằng điện thoại di động thường sẽ có thêm thông tin về thời gian, loại thiết bị đang sử dụng và đặc biệt là vị trí chụp bức ảnh. Từ những thông tin này, người khác có thể tổng hợp ra được thói quen, lịch trình hoạt động, di chuyển của bạn, vì thế nên cân nhắc nếu không muốn các thông tin này bị lộ, lọt. Việc cung cấp nhiều bức ảnh cho một hệ thống khác cũng có nguy cơ bị lợi dụng để tạo ra ảnh, video giả mạo. Nếu ảnh đến tay các đối tượng xấu, chúng có thể sử dụng để cho AI học, sau đó dùng công nghệ Deepfake để tạo ra nội dung mạo danh phục vụ các mục đích xấu, thậm chí là lừa đảo.

Do đó, trong mọi tình huống, kể cả là các trào lưu mới, người dùng vẫn nên thận trọng, khi cùng cấp dữ liệu cá nhân, đặc biệt là dữ liệu khuôn mặt của mình cũng như người thân. “Trên thế giới này, khi sử dụng ứng dụng không có gì là miễn phí”, ông Vũ Ngọc Sơn cho biết.

Còn ông Việt Khôi, chuyên gia công nghệ thông tin cho biết: Trào lưu chỉnh sửa ảnh này không mới, bản chất là dạng thu thập dữ liệu người dùng. Việc ứng dụng công nghệ AI sẽ tạo nên những phần mềm chỉnh ảnh có sức hút lớn.

Quá trình xử lý sẽ yêu cầu người dùng phải tải ảnh đã chụp lên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ, do đó tiềm ẩn nguy cơ lộ, lọt dữ liệu hoặc sử dụng cho các mục đích khác ngoài công bố của đơn vị phát hành mà người dùng không hay biết. Để tránh rủi ro này, các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo người dùng không đưa các tấm hình nhạy cảm, mang tính riêng tư vào ứng dụng.

Trước đó, nhiều cảnh báo phát đi về những trường hợp lừa đảo trực tuyến sử dụng dữ liệu cá nhân thu thập được để tạo lòng tin với nạn nhân. Ngoài dữ liệu như số điện thoại, căn cước công dân, địa chỉ, email, họ tên đầy đủ… người dùng cũng cần lưu ý tới dữ liệu về hình ảnh. “Nếu không, vào một ngày nào đó sẽ nhận được những cuộc gọi giải mạo với ảnh ghép lừa đảo liên quan vấn đề tài chính”, chuyên gia mạng Việt Khôi chia sẻ.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top