Các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu đang có xu hướng chi hàng tỷ USD đầu tư vào các công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tránh bị tụt lại phía sau trong giai đoạn phát triển AI mạnh mẽ.
Biểu tượng của các công ty công nghệ lớn (Big Tech). Ảnh: AF
Theo các chuyên gia, những công ty công nghệ hàng đầu thường hạn chế hoạt động mua lại, chủ yếu do môi trường pháp lý không thuận lợi. Nhưng các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu (Big Tech) đang có xu hướng chi hàng tỷ USD đầu tư vào các công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tránh bị tụt lại phía sau trong giai đoạn phát triển AI mạnh mẽ.
Theo công cụ nghiên cứu thị trường tài chính Pitchbook, chỉ trong năm 2023, các nhà đầu tư đã chi tổng cộng 29,1 tỷ USD vào gần 700 giao dịch AI tạo sinh, tăng hơn 260% về giá trị so với năm trước đó. Trong đó, một phần đầu tư đáng kể mang tính chiến lược đến từ các tập đoàn thuộc Big Tech.
Công ty công nghệ Amazon (Mỹ) mới đây tuyên bố tiếp tục rót 2,75 tỷ USD vào công ty khởi nghiệp AI Anthropic. Đây là thương vụ mạo hiểm trị giá cao nhất của Amazon, và cũng là ví dụ mới nhất về “cơn sốt” AI đang thúc đẩy các tập đoàn công nghệ lớn phải mở hầu bao.
Anthropic là nhà phát triển đằng sau mô hình AI Claude, cạnh tranh với ChatGPT của OpenAI do Microsoft hậu thuẫn và Gemini của Google. Cùng với Meta và Apple, tất cả công ty công nghệ lớn đều đang chạy đua để tích hợp AI tạo sinh vào danh mục sản phẩm và tính năng của mình nhằm đảm bảo không bị tụt hậu, trong bối cảnh thị trường được dự đoán sẽ đạt doanh thu 1 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Trong khi đó, Meta cho biết đang chi hàng tỷ USD cho các bộ xử lý đồ họa của Nvidia – một trong nhiều công ty đã góp phần giúp nhà sản xuất chip này tăng doanh thu năm vừa qua lên hơn 250%.
Về phần mình, Microsoft đã bắt đầu kinh doanh đầu tư vào AI tạo sinh trước đó, với vốn đầu tư 1 tỷ USD vào OpenAI vào năm 2019, và tăng dần quy mô đầu tư lên khoảng 13 tỷ USD. Microsoft sử dụng rất nhiều mô hình của OpenAI và cung cấp các mô hình nguồn mở trên đám mây Azure của mình.
Còn Alphabet – công ty mẹ của Google – vừa đóng vai trò là nhà đầu tư và cũng là bên xây dựng, khi tập trung tích hợp AI tổng hợp vào các tính năng tìm kiếm, tài liệu, bản đồ… trên các sản phẩm của mình, trong đó có mô hình Gemini. Năm ngoái, Google cam kết đầu tư 2 tỷ USD vào Anthropic, sau khi xác nhận nắm giữ 10% cổ phần của công ty khởi nghiệp cùng với một hợp đồng đám mây lớn giữa hai bên.
Ông Daniel Newman, Giám đốc điều hành của công ty phân tích công nghệ Futurum Group, khuyến nghị những doanh nghiệp công nghệ cần phải trở nên sáng suốt hơn khi đầu tư vào AI, do các cơ quan quản lý trên toàn cầu đang siết chặt các quy định đối với Big Tech, khiến việc thực hiện các thương vụ mua lại quy mô lớn trở nên khó khăn hơn, thậm chí cả các khoản đầu tư cũng đang thu hút sự giám sát chặt chẽ.
Biểu tượng công cụ ChatGPT do công ty OpenAI phát triển. Ảnh: AFP/TTXVN
Hồi tháng 1/2024, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) tuyên bố sẽ tiến hành điều tra sâu rộng về những công ty lớn nhất trong lĩnh vực AI, bao gồm Amazon, Alphabet, Microsoft, Anthropic và OpenAI. Qua đó, FTC có quyền yêu cầu các công ty nộp báo cáo cụ thể về hoạt động kinh doanh của mình.
Đến cuối tháng 2/2024, Chủ tịch Microsoft Brad Smith đã công bố một bộ nguyên tắc nhằm thúc đẩy sự đổi mới và cạnh tranh trong lĩnh vực AI. Đây được coi là để ghi nhận vai trò dẫn đầu thị trường của công nghệ AI, đồng thời có thể trấn an những quan ngại về sự thống trị của công nghệ này.
Động thái của Microsoft diễn ra trong bối cảnh các đối thủ và cơ quan quản lý chống độc quyền quan ngại về sức mạnh thị trường của Microsoft, gần đây được thúc đẩy nhờ sự hợp tác với OpenAI, chủ sở hữu của ChatGPT.
Trong năm qua, Microsoft đã đưa chatbot (công nghệ trò chuyện trực tuyến sử dụng các công cụ trả lời tự động) vào các sản phẩm cốt lõi của mình như phần mềm Office và công cụ tìm kiếm Bing, thu hút các khách hàng doanh nghiệp mong muốn trải nghiệm những đột phá tiếp theo của công nghệ AI.
Theo ông Brad Smith, nguyên tắc phát triển AI nhằm mục đích “giải quyết vai trò và trách nhiệm ngày càng tăng của Microsoft với tư cách là nhà đổi mới AI và người dẫn đầu thị trường”. Nhà lãnh đạo Microsoft nhấn mạnh: “Bằng cách ban hành những nguyên tắc này, chúng tôi cam kết cung cấp quyền truy cập công nghệ rộng rãi cần thiết để trao quyền cho các tổ chức và cá nhân trên khắp thế giới phát triển và sử dụng AI theo những cách phục vụ lợi ích công cộng”.
Bộ nguyên tắc của Microsoft bao gồm các quy định về cung cấp quyền truy cập và hỗ trợ cho các nhà phát triển AI, cung cấp rộng rãi các mô hình và công cụ phát triển AI cho các nhà phát triển ứng dụng phần mềm trên toàn thế giới và cung cấp các giao diện lập trình ứng dụng công khai để cho phép các nhà phát triển truy cập và sử dụng các mô hình AI trên dịch vụ điện toán đám mây Microsoft Azure.
Microsoft cũng khẳng định sẽ không sử dụng thông tin hoặc dữ liệu không công khai từ việc xây dựng và triển khai mô hình AI của nhà phát triển trong Microsoft Azure để cạnh tranh với các mô hình đó, đồng thời cho phép khách hàng của Microsoft Azure dễ dàng xuất và chuyển dữ liệu của họ sang nhà cung cấp đám mây khác.
Trong khi đó, theo thông tin của Bloomberg, tỷ phú Masayoshi Son -ông chủ của tập đoàn SoftBank Group – đang huy động 100 tỷ USD để thành lập một liên doanh mới cạnh tranh với những tên tuổi như Nvidia trong lĩnh vực chip AI.
Liên doanh mới có tên Izanagi sẽ phối hợp với công ty thiết kế chip Arm. Bài báo trên Bloomberg cho biết SoftBank dự định kêu gọi khoảng 70 tỷ USD trong số 100 tỷ USD nói trên từ các nhà đầu tư tổ chức ở Trung Đông. Bản thân SoftBank sẽ tự lo 30 tỷ USD còn lại.
Nvidia hiện đang chiếm lĩnh thị trường chip AI với sản phẩm chip đồ họa GPU. Nhưng khi nhu cầu chip AI được dự đoán sẽ gia tăng, và vì loại chip này vẫn cần cải thiện về mặt chi phí và hiệu suất, nên vẫn còn cơ hội cạnh tranh rõ ràng cho các công ty khác với những sản phẩm thay thế.
Trước đó, Meta, IBM đã cùng khoảng 50 công ty và tổ chức nghiên cứu thành lập Liên minh AI nhằm bảo đảm một phương thức hợp tác và cởi mở hơn trong việc phát triển công nghệ này. Trong tuyên bố thành lập Liên minh AI, Giám đốc điều hành IBM Arvind Krishna ngày 5/12 nhấn mạnh: “Đây là một thời điểm then chốt trong việc xác định tương lai của AI”.
Cụ thể, IBM, Meta cùng các công ty lớn khác như Intel, Sony, Dell… sẽ cùng tạo ra một liên minh công nghiệp chuyên phát triển AI nguồn mở, chia sẻ công nghệ và giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn liên quan đến công nghệ này.
Ưu tiên quan trọng của Liên minh AI là đảm bảo an toàn và bảo mật cho AI. Việc phát triển phần cứng mới, sử dụng các mô hình AI nguồn mở và cộng tác tích cực với các nhà nghiên cứu khoa học cơ bản là những biện pháp được kỳ vọng đảm bảo phát triển công nghệ AI minh bạch và có đạo đức.
Một trong những cơ chế quan trọng của Liên minh là thành lập Ủy ban Giám sát kỹ thuật và Hội đồng quản trị, với thành phần là chuyên gia nghiên cứu từ các tập đoàn công nghệ lớn. Điều này sẽ giúp tập hợp được các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau để tiến hành phân tích và đánh giá thường xuyên về sự phát triển trong lĩnh vực AI. Những người ủng hộ AI nguồn mở tin rằng phương pháp này hiệu quả hơn trong việc tạo ra các hệ thống phức tạp.