Giới đầu tư đang nhanh chóng đặt cược vào cổ phiếu và các tài sản liên quan tới cuộc đua trí thông minh nhân tạo (AI). Điều này liệu có tạo nên bong bóng mới trên thị trường?
Có rất nhiều lý do để bi quan với thị trường chứng khoán hiện tại. Từ câu chuyện lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cứng rắn với chính sách giữ lãi suất ở mức cao, xung đột địa chính trị chưa có điểm dừng, nguy cơ suy thoái kinh tế hiện hữu cho tới tình hình sức khỏe bấp bênh của hệ thống ngân hàng địa phương…
Trong khi đó, nhìn từ hướng ngược lại, yếu tố duy nhất tạo hưng phấn cho nhà đầu tư lúc này chính là câu chuyện về trí thông minh nhân tạo – tiến bộ công nghệ có thể tạo nên những thay đổi lớn đối với mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội. Và giới đầu tư lựa chọn đứng về phía này.
Vốn hóa thị trường của các công ty thuộc chỉ số Nasdaq-100 (chủ yếu là nhóm công ty công nghệ) đã tăng hơn 4 nghìn tỷ USD kể từ đầu năm tới nay – giá trị tăng đầy ấn tượng ngay cả khi so sánh với thời kỳ có một không hai khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
Kể từ đầu năm tới nay, chỉ số Nasdaq đã tăng khoảng 31% và nhóm cổ phiếu công nghệ cũng đóng góp quan trọng giúp chỉ số chung thị trường là S&P 500 tăng khoảng 11%.
Các quỹ đầu tư tập trung vào nhóm công nghệ thu hút số tiền kỷ lục 8,5 tỷ USD từ nhà đầu tư trong tuần cuối tháng 5, theo số liệu của EPFR Global.
Nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO – fear of missing out) là câu chuyện kinh điển đối với các thị trường đầu tư, đồng thời là nguyên nhân dễ gặp của các đợt xuất hiện bong bóng trên thị trường, từ bong bóng dotcom tới meme stock và tiền số… Tuy nhiên, với AI, câu chuyện có phần phức tạp hơn.
“Đây không chỉ là FOMO. Theo góc nhìn của tôi là FOBR (fear of being replaced) – nỗi sợ bị thay thế. Suy nghĩ trong tâm trí nhiều người hiện tại là “AI sẽ thống trị thế giới, thay thế các vị trí công việc. Và cách duy nhất để phòng vệ chính là sở hữu lũ robot này”. Vậy thì phải nhanh mua cổ phiếu Microsoft, cổ phiếu Nvidia…”, Vincent Deluard, giám đốc chiến lược vĩ mô toàn cầu tại Stone Financial chia sẻ.
Sự kiện đánh dấu bước chuyển lớn trong tâm lý nhà đầu tư đối với AI trên thị trường chính là vào cuối tháng 5, khi Nvidia Corp dự báo doanh thu cao vượt trội so với mọi phỏng đoán, thể hiện nhu cầu lớn đối với các sản phẩm AI trên thị trường, khiến giá trị thị trường của Công ty tăng vọt lên mức gần 1.000 tỷ USD.
Bên cạnh đó, generative AI (AI tạo sinh) – loại trí tuệ nhân tạo tập trung vào việc tạo ra nội dung/dữ liệu mới dựa trên dữ liệu hiện có đã tạo nên cơn sốt chưa từng có. Trong đó những sản phẩm nổi bật là ChatGPT và các công cụ khác có thể tạo nội dung mới như văn bản, hình ảnh, video… Theo Bloomberg Intelligence, thị trường của generative AI có thể tăng hơn 40%, đạt quy mô 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2032.
ChatGPT của OpenAI đã tạo nên cơn sốt trên toàn cầu
Đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ lấn át mọi lĩnh vực khác trên thị trường. Các cổ phiếu giá trị, cũng như nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ gần như đi ngang trong năm 2023, phản ánh lo ngại về môi trường lãi suất cao và tăng trưởng kinh tế chậm hơn. Cũng bởi lý do này, định giá của một số doanh nghiệp đã ở mức quá cao, phản ánh kỳ vọng lớn của nhà đầu tư. Cổ phiếu Nvidia đang có PE 185 lần, so với mức khoảng 19 lần của các công ty thuộc S&P 500. P/E thể hiện mức giá mà nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra cho một đồng lợi nhuận thu được từ cổ phiếu của doanh nghiệp.
Sam Stovall, giám đốc chiến lược đầu tư tại hãng nghiên cứu tài chính CFRA chia sẻ, diễn biến hiện tại gợi nhắc quãng thời gian đầu những năm 2000, khi nhà đầu tư mạnh tay rót tiền vào công ty công nghệ, phớt lờ thực tế PE của nhóm này đã vào khoảng 60 lần. Không may cho nhóm này khi mất 5 năm để chỉ số Nasdaq quay trở lại mức đỉnh. Tất nhiên, các công ty công nghệ vẫn thay đổi thế giới sau khi bong bóng dotcom đổ vỡ, nhưng việc kiếm tiền từ cơn sốt này chắc chắn không dễ dàng với nhà đầu tư.
Chưa kể, theo giới chuyên gia, nhà đầu tư cần “khoảng lặng” để cân nhắc liệu minh đã hiểu như thế nào về AI và những ứng dụng của công nghệ này với thế giới thực. Các sản phẩm AI nổi tiếng vì cung cấp câu trả lời/nội dung nhanh chóng, nhưng cũng được biết đến bởi các lỗi dữ liệu và tạo ra “ảo giác” đã trả lời đúng.
“Tất nhiên là các sản phẩm AI mang tới sự hào hứng, nhưng cần nhiều thời gian hơn nữa để xác định mức độ chính xác và khả năng ứng dụng”, Art Hogan, chiến lược gia trưởng tại B. Riley Wealth Management cho biết.
Trong bối cảnh các công ty đều cố gắng gia nhập cuộc đua AI, nhà đầu tư cần có bộ lọc để xác định đâu là doanh nghiệp công nghệ đích thực.
“Chúng ta đã chứng kiến diễn biến tương tự nhiều lần, khi một điều gì đó tạo nên hưng phấn, các công ty bắt đầu đổi tên để có thể chèn các từ khóa hot, chẳng hạn hiện tại là AI. AI được nhắc tới trong các hội nghị, website công ty hay các thông cáo báo chí. Sau đó, cổ phiếu có thể tăng giá rất nhanh và xuống cũng rất nhanh”, Cam Harvey, giáo sư tài chính tại Duke University, partner tại công ty quản lý tài sản Reseach Affiliates chia sẻ.